Bài nổi bật
Google thay đổi thuật toán tìm kiếm và bộ lọc spam khiến nhiều doanh nghiệp cân nhắc đóng trang web
Google đã thực hiện những thay đổi lớn với thuật toán tìm kiếm và bộ lọc spam để loại bỏ nội dung chất lượng thấp. Thế nhưng, những tác động này đã gây thiệt hại nặng nề cho một số trang web nhỏ.
Nhiều doanh nghiệp hoạt động trực tuyến đã phải cân nhắc việc sa thải và thậm chí đóng cửa trang web sau bản nâng cấp lớn của Google vào tháng 3 và tháng 4 khiến lưu lượng truy cập sụt giảm nghiêm trọng.
Gisele Navarro là một trong những người không may mắn có trang web bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của Google. Người phụ nữ Argentina 37 tuổi cùng chồng điều hành trang web HouseFresh, nơi chuyên đánh giá sản phẩm máy lọc không khí uy tín kể từ năm 2020.
Trang web này không chứa quảng cáo, không nhúng sản phẩm và không hề né tránh đánh giá. Nếu sản phẩm nào tệ thì các nhà đánh giá của trang web sẽ nói ra điều đó. Họ kiếm tiền hoa hồng từ lượt nhấp chuột dẫn đến Amazon.com. Thế nhưng, bản cập nhật của Google đã thay đổi tất cả.
Gisele Navarro chia sẻ với hãng tin AFP: “Chúng tôi nhận thấy thứ hạng của mình từ vị trí số một – bởi chúng tôi là một trong số ít người thực sự thực hiện đánh giá – sang việc thậm chí không hiển thị trên kết quả tìm kiếm”.
HouseFresh từng nhận được khoảng 4.000 lượt giới thiệu từ tìm kiếm trên Google mỗi ngày, nhưng con số này đã giảm xuống còn khoảng 200. Việc kinh doanh sa sút tệ đến mức Gisele Navarro cho biết cô đã được khuyên nên đóng trang web và bắt đầu lại với một tên miền mới.
Nguyên nhân khiến Gisele Navarro và nhiều trang web khác thất vọng là sự thiếu rõ ràng về cách xếp hạng kết quả của Google.
Gã khổng lồ tìm kiếm Mỹ nổi tiếng là bí mật về các thuật toán của mình đến nỗi cả ngành công nghiệp được gọi là tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) đã phát triển để cố gắng can thiệp vào thuật toán nhằm nhận thêm lượt nhấp chuột.
Bản cập nhật mới từ Google khiến các chuyên gia SEO đau đầu, cố gắng hết sức để tìm ra lý do tại sao một số trang web được xếp hạng cao hơn, trong khi những trang khác lại bị hạ bậc.
Google chia sẻ với AFP trong một email rằng bản cập nhật của hãng được thiết kế nhằm mục tiêu giảm bớt các kết quả tìm kiếm mà dường như được tối ưu hóa chỉ để làm hài lòng thuật toán của công cụ tìm kiếm, thay vì tập trung vào cung cấp nội dung hữu ích và có giá trị thực sự cho người dùng.
“Những thay đổi duy nhất Google đưa ra là những thứ mà thử nghiệm của chúng tôi cho thấy sẽ cải thiện đáng kể kết quả cho mọi người. Và chúng tôi tin rằng những cập nhật này rất hữu ích”, công ty tuyên bố.
Tuy nhiên trong một bài đăng trên blog vào tháng 5, Gisele Navarro chỉ ra rằng những người tìm kiếm đánh giá sản phẩm ngày càng thấy nhiều quảng cáo và nội dung có vẻ như tạo bằng trí tuệ nhân tạo (AI) hoặc được tối ưu hóa tìm kiếm.
Các nội dung khác được Google đẩy mạnh trong bản cập nhật gồm thông tin do người dùng tạo từ những trang web như mạng xã hội Reddit và trang web hỏi đáp Quora.
Google bảo vệ cách tiếp cận này, chỉ ra rằng “nhiều người thường muốn học hỏi trải nghiệm của người khác”. Công ty Mỹ cho biết thêm: “Chúng tôi tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt để đảm bảo kết quả hữu ích và có chất lượng cao”.
Thế nhưng, nhân viên tại một trang web tin tức ở châu Âu nói các bài viết của họ hiện thường bị qua mặt bởi nội dung phần lớn không liên quan từ Reddit
Chủ trang web tin tức này, yêu cầu giấu tên vì tính chất nhạy cảm của chủ đề, cho biết lượt giới thiệu từ Google đã giảm mạnh từ 20 đến 30% do bản cập nhật và việc cắt giảm nhân sự là không thể tránh khỏi. Người đó nói: “Trong một thị trường vốn đã khó khăn thì đây là một vấn đề nghiêm trọng với các nhà xuất bản độc lập như chúng tôi”.
Tất cả doanh nghiệp mà AFP nói chuyện đều cho biết đang khẩn trương tìm cách tránh phụ thuộc vào tìm kiếm Google, dù đó là viết bản tin, làm podcast hay tìm những cách khác để thu hút độc giả.
Ông chủ của một hãng tin công nghệ tài chính (yêu cầu giấu tên) nói với AFP rằng các đối thủ cạnh tranh của họ đều thuê các công ty SEO “để mua lưu lượng truy cập”.
Ông cho hay: “Chúng tôi không mua lưu lượng truy cập nhưng việc duy trì vị trí hiện tại ngày càng khó khăn vì thứ hạng của những trang web đó gần như không bị ảnh hưởng sau bản cập nhật của Google, trong khi chúng tôi lại bị giảm rất nhiều”.
Buộc phải cắt giảm đáng kể số lượng nhân viên, Gisele Navarro nay đã chuyển sang các bài đánh giá video và bản tin để cố gắng kết nối lại với khán giả của mình.
Bất chấp trải nghiệm tồi tệ với Google, cô vẫn lạc quan về web. Gisele Navarro được cổ vũ bởi nhiều thông điệp ủng hộ và sự gia tăng lượt giới thiệu từ các công cụ tìm kiếm thay thế như DuckDuckGo.
Cô nói: “Toàn bộ kiến thức của nhân loại đều có trên web và điều đó có giá trị gì. Tôi không muốn từ bỏ nó chỉ vì bản cập nhật của Google”.
Tài liệu 2.500 trang bóc mẽ lời nói dối của Google về cách hãng xếp hạng tìm kiếm
Là một trong những hệ thống quan trọng nhất trên internet, thuật toán tìm kiếm của Google sẽ quyết định trang web nào được phép tồn tại hay không. Thậm chí, Google cũng quyết định nội dung trên website là gì.
Từ lâu, cách Google xếp hạng các trang web vẫn luôn là một điều bí ẩn, được các nhà báo, nhà nghiên cứu và những người làm việc trong lĩnh vực này liên tục đặt câu hỏi.
Đầu tháng 6, tất cả đã được đưa ra ánh sáng khi một bộ tài liệu nội bộ dài 2.500 trang về công cụ tìm kiếm của Google bị rò rỉ. Nó tiết lộ những thông tin chưa từng có về cách thức hoạt động của Google Search, đồng thời cho thấy việc Google nói dối suốt nhiều năm.
Theo hai chuyên gia SEO là Rand Fishkin và Mike King, một nguồn tin giấu tên đã chia sẻ 2.500 trang tài liệu với họ. Người này hy vọng rằng tài liệu sẽ bóc mẽ những lời nói dối của Google về cách thuật toán tìm kiếm hoạt động.
Với lượng thông tin dày đặc và nặng tính kỹ thuật, tài liệu tiết lộ những loại dữ liệu được Google thu thập từ các trang web cùng người dùng, đồng thời gợi ý một số nội dung mà công ty yêu thích.
Các tài liệu bị rò rỉ còn đề cập đến loại dữ liệu nào sẽ được Google thu thập và sử dụng, những trang web nào công ty đề xuất mạnh, cách họ xử lý các trang web nhỏ lẻ… Theo Rand Fishkin và Mike King, một số thông tin trong tài liệu mâu thuẫn với các tuyên bố công khai của gã khổng lồ công nghệ Mỹ.
Mike King viết: “Dùng từ dối trá thì có vẻ hà khắc, nhưng đó là từ chính xác duy nhất có thể sử dụng ở đây. Tôi không đổ lỗi cho các phát ngôn viên Google khi họ bảo vệ thông tin bí mật doanh nghiệp, nhưng vẫn không hài lòng khi hãng luôn cố làm mất uy tín của những người làm trong ngành marketing, công nghệ và báo chí”.
Rand Fishkin cho biết Google không phủ nhận tính xác thực của vụ rò rỉ, nhưng một nhân viên công ty đã đề nghị anh thay đổi một số từ ngữ trong bài đăng.
Thuật toán tìm kiếm bí mật của Google đã tạo ra một ngành công nghiệp tiếp thị toàn cầu, với hàng triệu công ty trên thế giới thực hiện theo hướng dẫn công khai của gã khổng lồ công nghệ này.
Các chiến thuật SEO tinh vi đã dẫn đến hệ quả là nhiều kết quả tìm kiếm của Google đang ngày càng tệ hơn, đầy rẫy nội dung rác chỉ để trang web được xuất hiện ở vị trí cao.
Đáp lại các bài viết chỉ trích chiến thuật SEO trên Google, đại diện hãng thường có cách biện hộ quen thuộc: “Đó không phải những điều Google khuyến khích họ làm”.
Tuy nhiên, một số chi tiết trong tài liệu bị rò rỉ lại chỉ ra những phát ngôn này của Google có phần dối trá.
Một ví dụ điển hình được Rand Fishkin và Mike King trích dẫn liên quan đến việc dữ liệu từ trình duyệt Google Chrome được hãng sử dụng để xếp hạng nội dung. Đại diện của Google đã nhiều lần khẳng định họ không sử dụng dữ liệu Chrome để xếp hạng các trang.
Song trong tài liệu nội bộ, Chrome luôn được đề cập cụ thể khi phân tích cách các trang web xuất hiện trong kết quả tìm kiếm. Theo tài liệu, các liên kết xuất hiện bên dưới URL chính của vogue.com được tạo ra một phần bằng dữ liệu Chrome.
Bí mật của Google được đưa ra ánh sáng
Một câu hỏi khác được đặt ra là vai trò của E-E-A-T trong xếp hạng là gì. E-E-A-T là viết tắt của kinh nghiệm (experience), kiến thức chuyên môn (expertise), tính xác thực (authoritativeness) và độ tin cậy (trustworthiness).
Đây là thước đo của Google để đánh giá chất lượng kết quả tìm kiếm. Trước đây, đại diện của Google tuyên bố E-E-A-T không phải là yếu tố xếp hạng. Rand Fishkin cho biết ông cũng không tìm thấy nhiều tài liệu đề cập đến tên E-E-A-T.
Tuy nhiên, Mike King đã trình bày chi tiết cách Google thu thập dữ liệu tác giả từ website. Google cũng có cách riêng để biết một cái tên xuất hiện trên trang có phải là tác giả hay không. Cách thức này “chủ yếu được phát triển và tùy chỉnh cho các bài báo, nhưng cũng được áp dụng những các nội dung khác như bài báo khoa học”, trích tài liệu rò rỉ.
Trước đây, Google nhấn mạnh rằng thông tin tên tác giả là điều mà chủ trang web nên làm cho độc giả, chứ không phải công ty vì nó không ảnh hưởng đến xếp hạng.
Theo trang The Verge, dù không tấn công trực diện vào Google, những tài liệu bị rò rỉ đã tiết lộ về hệ thống bí mật của gã khổng lồ công nghệ. Vụ kiện chống độc quyền của chính phủ Mỹ chống lại Google, xoay quanh công cụ tìm kiếm, cũng đã dẫn đến việc tài liệu nội bộ được đưa ra ánh sáng.
Việc Google giữ bí mật về cách hoạt động của công cụ tìm kiếm đã dẫn đến việc nhiều trang web ngày càng trông giống hệt nhau. Lý do là các chuyên gia SEO phải cố lách luật Google, bằng cách dựa trên những gợi ý mà công ty đã đưa ra.
“Trước đây, nhiều người có tiếng trong lĩnh vực tìm kiếm và các nhà phát hành web nổi tiếng đều nghe theo, truyền bá các phát ngôn của Google mà chẳng dám phản bác. Họ viết những dòng tiêu đề như ‘Google nói XYZ là đúng’ thay vì ‘Google tuyên bố XYZ nhưng bằng chứng cho thấy điều ngược lại’. Tôi muốn điều này sẽ thay đổi”, Rand Fishkin chỉ trích.
Theo Sơn Vân – Một Thế Giới
Xem thêm: