Bài nổi bật
Jensen Huang và cuộc vận động nghẹt thở thuyết phục TT Trump bán chip AI cho Trung Quốc
Nhờ vào những nỗ lực không ngừng của Jensen Huang cùng với sức ép từ phía Trung Quốc, Nvidia đã đạt được bước đột phá quan trọng trong việc nối lại việc bán chip AI cho Trung Quốc.
Chiến dịch tạo ra bước ngoặt
Vào tháng 4, Jensen Huang, Giám đốc điều hành của nhà sản xuất chip Nvidia, đã có cuộc chạm trán trực tiếp với thực tế địa chính trị khi chính quyền Trump chặn đứng việc bán một loại chip trí tuệ nhân tạo mà công ty này thiết kế riêng cho thị trường Trung Quốc.
Kể từ đó, Huang đã trở thành một nhà thương lượng xuyên lục địa, cố gắng thuyết phục Tổng thống Donald Trump thay đổi quyết định. Ông đã đi công tác cùng Trump, điều trần trước Quốc hội, và khéo léo thu hút giới truyền thông tại Washington.

Jensen Huang cũng tìm kiếm và tranh thủ được sự ủng hộ từ các đồng minh trong Nhà Trắng, những người âm thầm hậu thuẫn cho lợi ích kinh doanh toàn cầu, bất chấp giọng điệu cứng rắn của Trump về thương mại với Trung Quốc.
Những nỗ lực đó bắt đầu mang lại kết quả cho Nvidia. Tuần trước, Huang đã gặp Trump tại Phòng Bầu dục và thuyết phục ông nối lại việc bán chip AI chuyên biệt, theo lời kể của hai nguồn tin thân cận với cuộc họp.
Huang lập luận rằng chip Mỹ nên là tiêu chuẩn toàn cầu và Mỹ đang mắc một sai lầm nghiêm trọng khi nhường thị trường khổng lồ Trung Quốc cho các đối thủ bản địa.
Chỉ vài ngày sau, Nvidia tuyên bố chính quyền đã thay đổi lập trường. Đây là một bước ngoặt đáng kinh ngạc, đánh dấu sự xuất hiện của Huang như một nhân vật hàng đầu trong ngành công nghệ toàn cầu. Nó cũng nhấn mạnh sự trỗi dậy nhanh chóng của Nvidia – từ một hãng chip ít người biết đến tại Silicon Valley, trở thành công ty đại chúng có giá trị nhất thế giới và là trụ cột trong làn sóng AI hiện nay.
Chỉ mới tuần trước, Nvidia – công ty kiểm soát hơn 90% thị phần chip phục vụ xây dựng hệ thống AI – đã trở thành công ty đại chúng đầu tiên vượt mốc 4.000 tỷ USD. Kể từ đó, giá trị của công ty tiếp tục tăng nhờ vào việc quay trở lại thị trường Trung Quốc.
“Ông ấy luôn giữ vững lập luận của mình, ngay cả khi nó không được lòng người khác, vì ông tin sâu sắc rằng việc chiếm lĩnh tâm trí nhà phát triển tại Trung Quốc và ngăn Huawei độc chiếm thị trường là con đường tốt nhất để AI Mỹ chiến thắng toàn cầu”, Brad Gerstner, người sáng lập quỹ Altimeter Capital – một cổ đông lớn của Nvidia, chia sẻ.
Người phát ngôn Nhà Trắng, Kush Desai, cho biết các chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Trump đã thu hút hàng nghìn tỷ USD đầu tư vào sản xuất và công nghệ trong nước, tạo ra hàng nghìn việc làm chất lượng cao và bảo vệ an ninh quốc gia cũng như kinh tế.
“Bất cứ điều gì tổng thống làm đều nhằm bảo vệ nước Mỹ và người lao động Mỹ”, Desai nói thêm.
Bộ Thương mại Mỹ từ chối bình luận. Tờ Wall Street Journal trước đó đã đưa tin về cuộc họp tại Nhà Trắng.
Huang đã kết hợp nỗ lực vận động chính quyền Trump với sự quyết tâm duy trì hiện diện tại Trung Quốc, điều khiến nhiều đồng nghiệp kinh ngạc khi ông liên tục bay qua Thái Bình Dương để gặp gỡ giới chức trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng. Cuối cùng, chiến dịch của Huang còn được hỗ trợ bởi sức ép từ phía Trung Quốc trong các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra với Mỹ.
Hôm thứ Tư, khi xuất hiện tại Bắc Kinh và ký tặng người hâm mộ, Huang né tránh câu hỏi về ảnh hưởng của ông đối với quyết định của Trump. “Tôi không nghĩ mình đã thay đổi được suy nghĩ của ông ấy,” Huang nói. “Việc của tôi là cung cấp thông tin cho tổng thống về điều tôi hiểu rõ – đó là ngành công nghệ, trí tuệ nhân tạo, và các diễn biến AI toàn cầu”.
Cuộc vận động xuyên lục địa nghẹt thở
Huang, 62 tuổi, từng là một người miễn cưỡng khi phải làm công việc vận động hành lang. Được đào tạo như một kỹ sư điện, ông từng coi các vấn đề chính phủ là không quan trọng, theo lời hai cựu nhân viên xin giấu tên.
Nhưng ông buộc phải dấn thân vào chính trường Washington khi chip AI của Nvidia vướng vào cuộc chiến công nghệ toàn cầu. Chính quyền Biden đã áp đặt lệnh hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc vì lo ngại chip có thể được dùng trong các cuộc tấn công quân sự và phát triển vũ khí. Chính quyền Trump hứa sẽ thắt chặt hơn nữa.
Sau khi nhậm chức, Huang đến Nhà Trắng gặp Trump lần đầu. Hai người nói chuyện về chính sách AI và ngành bán dẫn, nhưng sau đó Trump nói với báo giới rằng ông vẫn chưa quyết định có cấm bán chip Nvidia cho Trung Quốc hay không. Giống chính quyền Biden, đội ngũ cố vấn của Trump cũng lo ngại các chip này sẽ giúp doanh nghiệp Trung Quốc đuổi kịp AI Mỹ.
Vào tháng 4, chính quyền Trump cảnh báo Nvidia rằng họ sẽ cấm nốt loại chip AI cuối cùng mà công ty còn bán tại Trung Quốc, theo lời 4 người biết về kế hoạch.
Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick đã mời Huang đến Mar-a-Lago để gặp Trump lần nữa, theo những người tham dự. Bên lề một buổi tiệc tối, Huang cố gắng thuyết phục Trump không cấm bán chip. Ông giải thích rằng mẫu chip H20 kia yếu hơn nhiều so với các sản phẩm Nvidia bán ra toàn cầu. Mất Trung Quốc sẽ khiến các công ty Mỹ thiệt hại, trong khi các đối thủ Trung Quốc hưởng lợi.
Tuy nhiên, các quan chức sau đó lại cho rằng Huang đang cố tình hạ thấp năng lực chip. Dù bị giới hạn, H20 vẫn được trang bị bộ nhớ mạnh để xử lý tác vụ phức tạp và được Trung Quốc đặt hàng trị giá hàng tỷ USD. Hai tuần sau, chính quyền gửi thư chính thức yêu cầu Nvidia dừng bán H20 cho Trung Quốc.
Thế nhưng, David Sacks – nhà đầu tư lâu năm tại Silicon Valley và hiện là “ông trùm AI” của Nhà Trắng – lại ủng hộ quan điểm của Huang, theo nguồn tin thân cận. Sacks vốn không thích quy định của chính quyền Biden về hạn chế chip AI toàn cầu. Ông cũng nghi ngờ luận điểm cho rằng việc bán chip AI ra thế giới sẽ gây hại cho Mỹ.
Huang bắt đầu liên hệ thường xuyên với Sacks và Sriram Krishnan – người phụ trách AI trong chính quyền. Sau khi Huawei ra mắt hệ thống AI CloudMatrix 384 sánh ngang công nghệ Mỹ, lập luận của Huang về Huawei bắt đầu có trọng lượng hơn với Sacks.
Tại hội nghị ở Washington tháng 4, Huang tuyên bố: “Trung Quốc không tụt lại phía sau. Họ đang ngay sau lưng chúng ta. Chúng ta đang rất, rất sát nhau”.
Sau đó, Jensen Huang xuất hiện cùng Trump trong buổi công bố khoản đầu tư 500 tỷ USD vào sản xuất tại Mỹ. Trong bài phát biểu ngẫu hứng, Trump cười nhếch mép còn Huang thì nói: “Nếu không có sự lãnh đạo, chính sách, sự ủng hộ và quan trọng nhất là động lực mạnh mẽ – và tôi nhấn mạnh là rất mạnh mẽ – của tổng thống, sản xuất tại Mỹ đã không thể tăng tốc đến mức này”.
Ngày hôm sau, Huang điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện – cơ quan giám sát các lệnh hạn chế bán chip. Ông chỉ trích quy định của chính quyền Biden và cảnh báo rằng cấm bán chip cho Trung Quốc sẽ gây hại nhiều hơn lợi. Huang cũng từ chối trả lời câu hỏi liệu startup Trung Quốc DeepSeek có sử dụng công nghệ Nvidia hay không.
“Ông ấy luôn cung cấp thông tin mà các nhà hoạch định chính sách cần và muốn biết, đồng thời sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi”, Tim Teter – cố vấn pháp lý của Nvidia đi cùng Huang – nói.
Trong những tuần sau đó, Sacks đã giúp gỡ bỏ quy định của Biden giới hạn số lượng chip bán ra toàn cầu. Động thái này mở đường cho Nvidia bán chip sang Saudi Arabia và UAE.
Tháng 5, Huang cùng Trump đến Trung Đông. Sacks, giờ là đồng minh của Huang, đàm phán thành công thỏa thuận cung cấp hàng trăm nghìn chip AI hiện đại mỗi năm cho UAE để xây dựng một trong những trung tâm dữ liệu lớn nhất thế giới.
Trong suốt quá trình, Huang và Sacks truyền tải thông điệp thống nhất: Nếu Mỹ muốn thắng cuộc đua AI, thì phải khuyến khích mua công nghệ Mỹ, thay vì đẩy các nước đi tìm sản phẩm tương đương từ Trung Quốc.
Khi Trump gọi Huang là “bạn” trong chuyến đi, Nvidia biết rằng họ đã đạt được một bước ngoặt.
Nhưng Huang chưa hài lòng với thành công ở Trung Đông. Ông muốn quay lại Trung Quốc.
Ngay sau khi ký thỏa thuận hàng tỷ USD với UAE, Huang đến Đài Loan (Trung Quốc) dự hội nghị máy tính. Bên lề, ông nói với báo giới rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ chỉ khiến doanh nghiệp Trung Quốc mạnh hơn.
“Tóm lại, kiểm soát xuất khẩu đã thất bại,” Huang nói.
Tuần trước, Huang quay lại Washington để gặp giới nghiên cứu, phóng viên chính trị và quan chức Nhà Trắng. Ông lặp lại thông điệp quen thuộc: Các nước nên phát triển trên nền tảng chip và phần mềm Mỹ.
“Ngăn xếp công nghệ Mỹ nên là tiêu chuẩn toàn cầu, giống như đồng đô la Mỹ là chuẩn mực tài chính quốc tế,” Huang phát biểu trong một podcast với tổ chức Special Competitive Studies Project.
Ông cũng nhấn mạnh điều này với Trump tại Phòng Bầu dục. Sacks ngồi cạnh, ủng hộ ông. Gần cuối buổi họp kéo dài gần một giờ, Trump đồng ý để Nvidia nối lại việc bán chip cho Trung Quốc.
Lutnick chia sẻ trên CNBC rằng quyết định này liên quan đến các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra với Trung Quốc, trong đó Trung Quốc vừa đồng ý cung cấp nam châm đất hiếm cho doanh nghiệp Mỹ. Ý tưởng là bán cho Trung Quốc dòng chip xếp hạng tư của Nvidia để “khiến họ nghiện công nghệ Mỹ.”
Vài ngày sau, Huang đến Bắc Kinh và tổ chức họp báo thông báo rằng Nvidia đã sẵn sàng hoạt động trở lại tại Trung Quốc.
Theo vietnamfinance.vn
Xem thêm:
