Liên hệ

Bài nổi bật

Điều gì giúp Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng thu hút các nhãn hàng xa xỉ?

Thị trường ghi nhận sự sôi động hơn của phân khúc bán lẻ cao cấp với các hoạt động mở rộng và khai trương của hàng mới. 

Thị trường Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, đang trở thành điểm đến lý tưởng cho các thương hiệu quốc tế, từ thời trang nhanh đến phân khúc bán lẻ xa xỉ và cao cấp. Chuyên gia Savills cho biết, thị trường bán lẻ năm 2024 và 2025 sẽ ngày càng sôi động hơn, khi Việt Nam đang được đánh giá là thị trường trọng điểm trong Đông Nam Á để các đơn vị bán lẻ quốc tế mở rộng hoạt động, kéo theo nguồn cầu thị trường lớn.

Theo ghi nhận của Tổng Cục Thống kê, 11 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn quốc theo giá hiện hành ước đạt 5.667 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 15,3%, doanh thu du lịch lữ hành tăng 50,5%. Doanh thu bán lẻ hàng hóa trong 11 tháng năm 2023 ước đạt 4.420 nghìn tỷ đồng, chiếm 78% tổng mức và tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 6,8%). Trong đó, nhóm hàng vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 14,7%; lương thực, thực phẩm tăng 11,4%; may mặc tăng 7,6%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 6,3%; riêng phương tiện đi lại (trừ ô tô) giảm 3,3%.

Quan sát của Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội cho thấy, thị trường Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, đang trở thành điểm đến lý tưởng cho các thương hiệu quốc tế, từ thời trang nhanh đến phân khúc bán lẻ xa xỉ và cao cấp. Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội nhận định: “Tính từ giai đoạn sau Covid-19, Việt Nam nổi lên như một thị trường tiềm năng với sức hút mạnh mẽ. Sự gia tăng trong sức tiêu dùng nội địa được xem là một trong các yếu tố thúc đẩy sự quan tâm ngày càng tăng của các thương hiệu quốc tế đối với thị trường này”.

Cũng theo bà Minh, một yếu tố quan trọng khác tạo nên sức hút của thị trường bán lẻ tại Việt Nam là so với các quốc gia lân cận như Singapore, Thái Lan, Indonesia, số lượng các thương hiệu quốc tế có mặt tại Việt Nam hiện vẫn còn hạn chế. Điều này tạo ra một cơ hội lớn cho các thương hiệu muốn mở rộng thị trường, đặc biệt khi họ tìm kiếm những bước tiến đầu tiên tại đây.

Trong đó, Hà Nội đang thu hút sự chú ý như một điểm nóng cho sự phát triển của bán lẻ nhờ tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số đông, mật độ dân số cao, số lượng hộ dân có thu nhập trung bình gia tăng đi kèm lực lượng trong độ tuổi lao động lớn. Các yếu tố nền tảng mạnh mẽ này đã tạo nên nhu cầu khổng lồ về bán lẻ đối với thị trường thủ đô.

Thị trường ghi nhận sự sôi động hơn của phân khúc bán lẻ cao cấp với các hoạt động mở rộng và khai trương của hàng mới. 

Các thương hiệu cao cấp sử dụng chiến lược một cửa hàng tại các địa điểm đắc địa. Tại Hà Nội, khu vực Hoàn Kiếm, đặc biệt tại trục phố Ngô Quyền, Lý Thái Tổ và Tràng Tiền đã liên tục chào đón sự xuất hiện các thương hiệu cao cấp từ năm 2021 tới nay.

Có thể kể đến như: Louis Vuitton, Dior, Berluti, Tiffany & Co., Maje, Longchamp hay gần đây nhất là Piaget, Watches of Switzerland…

Một trong số những lý do thị trường thu hút các thương hiệu nổi tiếng phải kể tới số người siêu giàu tại Việt Nam được ghi nhận tăng gấp đôi và số người giàu tăng thêm 70% trong 5 năm qua, dự báo tiếp tục tăng vọt trong 5 năm tới. 

Theo báo cáo của Knight Frank, tính đến cuối năm ngoái, giới siêu giàu Việt với tài sản đạt trên 30 triệu USD có 1.059 người, đứng thứ 3 trong số các nước ASEAN-6. 

Dự báo đến năm 2027, số người siêu giàu tại Việt Nam là gần 1.300 người. Cùng với giới siêu giàu, số người giàu với tài sản từ 1 triệu USD trở lên ở Việt Nam cũng đã tăng 70% trong 5 năm qua.

Theo Savills, triển vọng doanh số của các nhãn hàng xa xỉ tại Việt Nam đồng thời góp phần tạo động lực cho việc tiếp tục mở rộng và kéo các hãng mới mở về thị trường Việt Nam. 

Dữ liệu từ Statista cho thấy, ngành công nghiệp xa xỉ của Việt Nam được thiết lập để tăng trưởng đáng kể, với doanh thu dự kiến là hơn 957 triệu USD năm 2023 và tốc độ tăng trưởng hàng năm dự kiến là 3,23% cho đến năm 2028.

Với nhiều lợi điểm kể trên nhưng năm nay, các nhãn hàng xa xỉ trên toàn cầu đều gặp khó, trong đó việc kinh doanh tại Việt Nam cũng không tránh khỏi xu hướng này. 

Chẳng hạn mới đây CTCP Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC) – phân phối hơn 60 nhãn hàng xa xỉ lớn trên thế giới, với 50 cửa hàng tại Việt Nam, ghi nhận kết quả kém tích cực. 

Nửa đầu năm, công ty này lỗ 7,4 tỷ đồng so với khoản lãi 130,6 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Điều này khiến tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) giảm từ 22,87% cùng kỳ xuống âm 1,3%.

Ngoài ra, khó khăn hiện nay đối với các thường hiệu bán lẻ, đặc biệt bán lẻ cao cấp là về nguồn cung mặt bằng. Bà Minh chia sẻ: “Hiện nguồn cung đạt được yêu cầu của các nhãn hàng cao cấp của cả Hà Nội mới đang đạt 3.500m2 sàn. Trong khi nhu cầu mở rộng, và mở mới của các thương hiệu cao cấp về Việt Nam ngày càng gia tăng. Việc thiếu nguồn cung dẫn đến cạnh tranh về giá và đẩy giá thuê mặt bằng tại trục Tràng Tiền, khu vực không thuộc phố đi bộ lên cao”.

Bà Minh phân tích, mặt bằng khu Tràng Tiền tại Hà Nội hiện chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất, tại khu vực tập trung nhãn hàng xa xỉ như Louis Vuitton và Dior, những tuyến phố không thuộc tuyến phố đi bộ, có giá thuê cao cùng hạng với giá thuê khu vực Đồng Khởi tại thành phố Hồ Chí Minh. Nhóm thứ hai tại khu vực phố đi bộ, giá thuê chỉ bằng 1/3, thậm chí 1/4 nhóm thứ nhất.

Giá thuê bán lẻ tại tầng 1 hoặc mặt phố khu vực trung tâm Hoàn Kiếm, các trục phố lớn như Tràng Tiền, Lý Thái Tổ, Ngô Quyền, ghi nhận giá thuê cao hơn 20% thời điểm trước Covid-19, và sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai do thiếu nguồn cung bán lẻ. Các cửa hàng đã thuê mặt bằng từ thời điểm trước Covid-19 cũng gặp nhiều khó khăn khi chủ nhà tăng giá và phải cạnh tranh mặt bằng với các nhãn hàng mới mở hoặc cần mở rộng tại khu vực trung tâm Hoàn Kiếm này.

nhãn hàng xa xỉ
Khó khăn hiện nay đối với các thường hiệu bán lẻ, đặc biệt bán lẻ cao cấp là về nguồn cung mặt bằng.

Nhận định về thị trường bán lẻ trong năm 2024, theo phân tích của McKinsey, thị trường xa xỉ dự kiến sẽ tăng trưởng từ 2% đến 4%, với sự khác biệt giữa các khu vực và quốc gia. 

Bán lẻ hàng xa xỉ dự kiến sẽ đạt ít nhất 305 tỷ euro do nhu cầu mạnh mẽ ở châu Âu và Mỹ, trong khi tiêu dùng nội địa vẫn quan trọng ở Trung Quốc.

Tại thị trường Việt Nam, chuyên gia Savills dự báo bán lẻ sẽ ngày càng sôi động hơn, khi Việt Nam đang được đánh giá là thị trường trọng điểm trong Đông Nam Á để các đơn vị bán lẻ quốc tế mở rộng hoạt động.

Theo Phương Anh / Doanh nghiệp & Hội nhập

Xem thêm:

Continue Reading
Advertisement

More in Bài nổi bật

Advertisement
Advertisement

Bài nổi bật

Advertisement
To Top