Liên hệ

Bài nổi bật

TP.HCM: Trí tuệ nhân tạo đang trở thành ‘trợ lý thông minh’ cho bác sĩ

Trí tuệ nhân tạo (AI) không còn là khái niệm xa lạ trong đời sống, đặc biệt là lĩnh vực y tế. Tại TP.HCM, AI đang hiện diện rõ nét, từ phòng khám, bệnh viện cho đến phòng thí nghiệm.

“Trợ lý thông minh” cho bác sĩ và bệnh nhân

Có lẽ, sự kiện Trạm Y tế xã đảo Thạnh An đưa vào sử dụng máy X-quang tại giường có tích hợp AI, hệ thống lưu trữ và truyền tải y tế PACS vào năm 2022 đã trở thành bước ngoặt lớn của ngành y tế TP.HCM.

Máy X-quang tại giường có tích hợp AI, hệ thống lưu trữ và truyền tải y tế PACS được đưa vào sử dụng tại Trạm Y tế xã đảo Thạnh An (TP.HCM) từ tháng 11.2022 – Ảnh: PV

Đây là trạm y tế đầu tiên của cả nước triển khai thành công ứng dụng AI trong chẩn đoán hình ảnh X-quang phổi, thông qua hệ thống PACS và ứng dụng telemedicine kết nối với các bác sĩ chuyên khoa nhiều kinh nghiệm, tại các bệnh viện lớn của thành phố. Ứng dụng này giúp người bệnh được chẩn đoán nhanh, chính xác và điều trị đúng phác đồ.

Thời gian qua, một trong những ứng dụng nổi bật nhất của AI được ứng dụng tại các cơ sở y tế là chẩn đoán hình ảnh y khoa. Các thuật toán học máy (machine learning) có thể phân tích ảnh chụp X-quang, MRI hay CT chỉ trong vài giây, với độ chính xác cao, phát hiện sớm các bất thường như: khối u, tổn thương não hay gãy xương.

Tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, AI hỗ trợ đọc CT phổi, giúp phát hiện các nốt nghi ngờ ung thư phổi ở giai đoạn sớm – điều mà trước đây cần bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm.

Một số bệnh viện lớn khác như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Hùng Vương… cũng đã tích hợp AI trong hỗ trợ chẩn đoán phát hiện ung thư vú; Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM triển khai phần mềm AI phân tích ảnh X-quang ngực nhằm phát hiện sớm tổn thương phổi, đặc biệt hiệu quả trong thời điểm dịch COVID-19. Nhờ đó, quá trình sàng lọc nhanh và giảm tải cho nhân viên y tế.

AI còn giúp xây dựng phác đồ điều trị cá nhân hóa. Mỗi bệnh nhân có một đặc điểm gen, thể trạng và hoàn cảnh sống khác nhau. Nhờ AI, các bác sĩ có thể xây dựng phác đồ điều trị riêng biệt cho từng người, thay vì áp dụng một cách chung cho mọi ca bệnh.

Bệnh viện Chợ Rẫy dùng AI đánh giá tổn thương gan, xác định lộ trình điều trị viêm gan B, C, giảm nguy cơ xơ gan, ung thư gan. Tại Bệnh viện Bình Dân – đơn vị tiên phong trong sử dụng robot phẫu thuật tại Việt Nam từ năm 2016. Hiện robot Da Vinci hỗ trợ AI được bệnh viện này sử dụng thành thạo trong phẫu thuật tiết niệu, phụ khoa, tiêu hóa, giúp vết mổ nhỏ, giảm mất máu, rút ngắn thời gian hồi phục.

Trong đại dịch COVID-19, các chuyên gia Việt Nam đã ứng dụng AI để phân tích biến thể vi rút SARS-CoV-2 từ hàng nghìn mẫu gen được giải trình tự tại Viện Pasteur TP.HCM và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Phân tích này giúp đánh giá mức độ lây lan, độc lực và điều chỉnh chiến lược tiêm chủng.

AI thực sự là một “trợ lý thông minh” cho bác sĩ và bệnh nhân, giúp việc chẩn đoán nhanh và chính xác hơn…, mang lại hiệu quả điều trị tối ưu cho người bệnh.

Trong lĩnh vực y tế dự phòng, nhiều startup Việt Nam cũng đang khai thác AI để cảnh báo nguy cơ bệnh tật, như ứng dụng AI của Công ty HealthTech Việt Nam: có khả năng phân tích dữ liệu từ thiết bị đeo tay, kết hợp với tiền sử bệnh để dự báo nguy cơ tim mạch, đột quỵ hoặc tiểu đường.

Một số ứng dụng AI còn cảnh báo sớm cơn đột quỵ, hoặc suy tim vài ngày trước khi xảy ra – nhờ phân tích các chỉ số sinh học vi mô mà mắt thường không nhận ra.

AI giúp bác sĩ trẻ nâng cao tay nghề nhanh hơn

AI đang tạo ra bước ngoặt trong ngành y tế Việt Nam, nhưng không thể “đi một mình”. Để AI phát huy hết tiềm năng, cần có sự đồng hành của chính sách, nhân lực chất lượng cao và tinh thần cởi mở trong ngành y.

Theo các chuyên gia, muốn ứng dụng AI thành công, bệnh viện cần đầu tư hạ tầng số, thay đổi quy trình làm việc và đặc biệt là nâng cao nhận thức của đội ngũ y tế. Công nghệ chỉ phát huy khi có tư duy tiếp nhận mới.

Nếu được đầu tư đúng hướng, kết hợp với dữ liệu y tế chuẩn hóa và chính sách hỗ trợ, AI hoàn toàn có thể trở thành “bác sĩ trợ lý” đáng tin cậy, giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đặc biệt ở tuyến y tế cơ sở – nơi đang rất cần sự hỗ trợ công nghệ.

TS-BS Nguyễn Viết Hưng – Giám đốc Trung tâm AI (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) – cho biết trong tương lai, AI sẽ giúp các bác sĩ trẻ nâng cao tay nghề nhanh hơn, đồng thời giúp y tế tuyến cơ sở có thêm công cụ chẩn đoán và theo dõi bệnh nhân hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cần có chiến lược đào tạo liên ngành, y học kết hợp công nghệ thông tin, không thể để hai lĩnh vực phát triển tách biệt.

“Trong tương lai gần, sự kết hợp giữa trí tuệ con người và AI hứa hẹn tạo nên một nền y học thông minh, cá nhân hóa và nhân văn hơn”, TS-BS Nguyễn Viết Hưng nhận định.

PGS-TS Trần Quý Tường – nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) – khẳng định AI không thay thế bác sĩ mà là công cụ hỗ trợ, như một “trợ lý ảo”, giúp bác sĩ quyết định nhanh và toàn diện hơn.

“Hiện AI vẫn phải dựa trên dữ liệu đầu vào – nếu dữ liệu sai, AI cũng sẽ sai. Vì vậy, việc chuẩn hóa, làm sạch và bảo mật dữ liệu y tế là điều kiện tiên quyết nếu muốn phát triển bền vững”, PGS-TS Trần Quý Tường nói.

Theo Hồ Quang / Tạp chí 1 Thế Giới

Xem thêm:

Continue Reading

More in Bài nổi bật

Advertisement

Bài nổi bật

Advertisement
To Top