Một trong những thách thức lớn nhất mà AI mang đến là việc tạo ra và lan truyền tin giả (fake news). Ngoài ra, công nghệ deep-fake sử dụng AI để tạo ra video và hình ảnh giả mạo, trong đó người xem có thể thấy những hình ảnh hoặc video của các sự kiện hoặc nhân vật hoàn toàn không có thật. Điều này làm tăng khả năng lan truyền thông tin sai lệch thông qua các phương tiện truyền thông trực quan.
Đây là một trong những nội dung được đưa ra trong phát biểu đề dẫn của hội thảo: “tác động của trí tuệ nhân tạo đối với báo chí: Thách thức và cơ hội” do Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh diễn ra vào sáng ngày 21/8.
Theo Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Nguyễn Thị Hải Vân, những vấn đề liên quan đến AI là một chủ đề mang tính thời sự và nhận được sự quan tâm rất lớn từ các cơ quan báo chí, truyền thông cũng như những người làm báo trên cả nước. Báo chí với vai trò là cầu nối thông tin giữa công chúng và sự kiện, không thể nằm ngoài xu thế đó. AI không chỉ thay đổi cách thức làm báo mà còn mang lại cơ hội và thách thức chưa từng có.
Một trong những thách thức lớn nhất mà AI mang đến là việc tạo ra và lan truyền tin giả (fake news). AI có khả năng học từ các mẫu dữ liệu khổng lồ và tạo ra nội dung mới dựa trên những mẫu đó. Các mô hình AI hiện đại như GPT-3 và GPT-4 có khả năng tạo ra văn bản rất thuyết phục dựa trên một số thông tin đầu vào cơ bản. Những mô hình này có thể tạo ra các bài viết hoặc tin tức giả mạo với nội dung chi tiết và trôi chảy, khiến người đọc khó có thể nhận ra đó là tin giả. Ngoài ra, công nghệ deep-fake sử dụng AI để tạo ra video và hình ảnh giả mạo, trong đó người xem có thể thấy những hình ảnh hoặc video của các sự kiện hoặc nhân vật hoàn toàn không có thật. Điều này làm tăng khả năng lan truyền thông tin sai lệch thông qua các phương tiện truyền thông trực quan”, lãnh đạo Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Báo chí nhấn mạnh.
Trước những thách thức mà báo chí phải đối mặt, vấn đề đặt ra là đòi hỏi các cơ quan báo chí, người làm báo cần có sự đào tạo và chuẩn bị kỹ lưỡng để có thể sử dụng AI một cách hiệu quả, đồng thời đảm bảo tính tin cậy và đạo đức trong việc truyền tải thông tin. Việc sử dụng AI cũng có thể dẫn đến sự phụ thuộc quá mức vào công nghệ, giảm đi vai trò của con người trong việc kiểm tra và xác minh thông tin.
Mở đầu phiên thảo luận, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã có những chia sẻ về bức tranh toàn cảnh tương lai của AI “AI và tương lai của báo chí”. Thuyết trình đã đưa ra 5 cấp độ trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI); các công nghệ AI vừa mang lại cơ hội, vừa là mối đe dọa đối với ngành báo chí. Thuyết trình cũng dẫn ra hơn ba mươi ứng dụng của GenAI trong ngành báo chí và những gợi ý cho việc áp dụng AI trong báo chí. Đồng thời viện dẫn những câu hỏi lớn về AI và báo chí thường gặp.
Trả lời cho câu hỏi “ngành báo chí mong đợi gì ở AI?”, đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh, năng suất trong báo chí nhờ AI sẽ không tăng mãi. Những lợi ích của AI trong báo chí sẽ có lúc nhiều lúc ít. Chi phí sẽ gia tăng trong giai đoạn ban đầu và cần phải có những thay đổi ở cấp độ tổ chức và mang tính chiến lược. Con người không hoàn hảo, và AI cũng vậy. Chính những định kiến mà AI đã thể hiện là mối quan ngại lớn nhất.
Trước thực tế đang diễn ra vấn nạn tin giả “một viễn cảnh không lấy gì làm tốt đẹp”, nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh đặc biệt đến vấn đề đạo đức. Theo người đứng đầu Hội Nhà báo Việt Nam: “Chỉ có báo chí mới cứu được báo chí. Phải trung thành với tờ báo, đầu tư vào tài năng, và đừng phụ thuộc quá nhiều vào GenAI với kỳ vọng cứu giúp hoạt động của tờ báo”.
Hội thảo diễn ra với hai phiên thảo luận sôi nổi chủ yếu xoay quanh ba vấn đề nổi bật: AI đang làm thay đổi phương thức sản xuất tin tức và ảnh hưởng như thế nào đến sự sáng tạo, khách quan của báo chí; chia sẻ kinh nghiệm, xác định phân tích những trường hợp cụ thể liên quan đến việc báo chí tận dụng được lợi thế của AI mà vẫn giữ vững đạo đức nghề nghiệp và tính trung thực của thông tin; những ý kiến đóng góp cho công tác đào tạo, bồi dưỡng các nhà báo trong thời đại số.
Với sự tâm huyết của các diễn giả là các nhà quản lý báo chí, các nhà đào tạo báo chí đã mang đến cho hội thảo cái nhìn toàn diện hơn về AI, về báo chí Việt Nam. Quan điểm là, không hoảng sợ, hãy coi AI như một công cụ hỗ trợ, việc của các tòa soạn, các nhà báo thời hiện đại là làm chủ công nghệ AI và tạo ra sản phẩm báo chí theo nguyên tắc của nghề nghiệp.