Thẩm mỹ đang gần như trở thành một ngành công nghiệp. Nhưng nhiều cơ sở thẩm mỹ phi y tế lại “lấn sân” sang lĩnh vực y tế. Nhiều cơ sở “chui” không có giấy phép hành nghề, quảng cáo sai sự thật; hậu quả, bệnh nhân phải trả giá bằng sức khỏe, thậm chí bằng cả tính mạng.
Ngành y tế TP.HCM nhiều lần quyết tâm dẹp nạn thẩm mỹ chui, song để quyết liệt cần nhiều cơ chế quản lý mang tính thí điểm.
Một nạn nhân tai biến thẩm mỹ cho biết: “Tiêm tê trước sau đó rồi tiêm filler thì lúc này em buồn nôn mắc ói cho đến lúc người nhà đến đưa đi viện. Xong rồi đến sáng em mới được đưa đi BV Chợ Rẫy”.
Theo thống kê thành phố có 37 bệnh viện thẩm mỹ, 31 khoa tạo hình thẩm mỹ trong bệnh viện, 290 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, 414 phòng khám chuyên khoa da liễu nhưng có gần 4.900 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ phi y tế (chăm sóc da, spa…).
Tính từ đầu năm 2024 nhiều ca tai biến thẩm mỹ xảy ra, điển hình là các ca hút mỡ bụng, nâng ngực khiến 3 phụ nữ cấp cứu. Đặc biệt, gần nhất một bệnh nhân 33 tuổi đã tử vong sau nâng mũi bằng vật liệu silicon và sụn vành tai tại phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ thuộc Công ty TNHH Bệnh viện thẩm mỹ quốc tế Thailand Hospital (số 86 – 88 Pasteur, phường Bến Nghé, quận 1) vào tháng 6 vừa qua.
Theo bác Nguyễn Thị Phan Thúy, Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận từ 200 – 500 trường hợp gặp sự cố y khoa trong thẩm mỹ nội khoa. Có 69% ca liên quan đến thủ thuật tiêm chích, 16% liên quan đến thủ thuật laser và ánh sáng, 10% do làm đẹp bằng hóa chất…
Hầu hết, các ca biến chứng được điều trị và phục hồi nhưng cũng có trường hợp bị mù mắt do tiêm filler, không thể cứu chữa. Và thống kê sơ bộ bệnh viện ghi nhận 77% số ca tai biến xảy ra ở spa và cơ sở thẩm mỹ không phép, 13% do tự thực hiện các thủ thuật tại nhà…
“Chúng tôi thấy rằng đa số các trường hợp sự cố y khoa xảy ra trong thẩm mỹ nội khoa là do người bệnh thực hiện làm đẹp tại những cơ sở thẩm mỹ chui, trái phép, chưa được cấp phép hoạt động. Và một nguyên nhân tôi nghĩ rất quan trọng và nó cũng góp phần tăng các sự cố y khoa trong thẩm mỹ nội khoa, đó là một số cơ sở thẩm mỹ đã quảng cáo quá sự thật, quảng cáo quá lố và đưa ra những cái cam kết, hứa hẹn thuyết phục sự tin tưởng bệnh nhân. Ví dụ trị nám tận gốc, tiêm sẹo lồi chỉ 1 phút là đẹp”, Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM thông tin thêm.
Vừa qua, Sở Y tế TP.HCM tổ chức hội nghị Tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn người bệnh trong phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) với hơn 65 điểm cầu trực tuyến.
BS Hồ Văn Hân, Chánh thanh tra sở Y cho biết, trong 8 tháng đầu năm ngành y tế đã tiến hành kiểm tra 120 cơ sở thẩm mỹ, ban hành 136 quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt hơn 7 tỷ đồng.
Ông Hân cho rằng, bây giờ việc kinh doanh thẩm mỹ đang dời qua kênh mạng xã hội rất nhiều và cần có sự quản lý mới. Thông tin quảng cáo trên các kênh trực tuyến thường không được kiểm tra, dẫn đến việc nhiều người sử dụng dịch vụ bị dẫn dắt, bị trục lợi. Người dân cũng phản ánh về các vấn đề lừa đảo, quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội. Và vị lãnh đạo cũng chỉ ra đặc điểm của mạng xã hội xuyên biên giới rất khó kiểm soát.
Mạng xã hội có đặc điểm tương tác, lan truyền nhanh chóng và ẩn danh, khó xác định nguồn gốc nội dung, khiến việc kiểm chứng thông tin trở nên phức tạp. Những người không chuyên về lĩnh vực cũng khó nhận định được tính chính xác của thông tin quảng cáo.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng bị hạn chế về công nghệ và nguồn lực trong việc quản lý các nội dung quảng cáo trên mạng xã hội.
“Khả năng tiếp cận dễ dàng và chi phí thấp, chính vì vậy các doanh nghiệp hiện nay sử dụng mạng xã hội với mục đích kinh doanh trên mạng, quảng cáo hoặc là đưa những thông tin trên mạng xã hội thì chúng ta cũng rất là khó xử lý, khó liên hệ, phản hồi chậm. Các nền tảng mạng xã hội không dễ gì “report” (báo cáo) để người ta có phản hồi. Và thực sự liên quan đến cái này thì trách nhiệm người sử dụng là đầu tiên vì vậy cần có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý”, BS Hồ Văn Hân cho biết.
Theo PGS. TS. BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM sẽ khẩn trương chuẩn hóa quy trình kỹ thuật, xây dựng được phác đồ, không được phòng khám tự động làm vượt quá danh mục. Yêu cầu các cơ sở tập huấn, giám sát kiểm tra và xử lý nếu ai không tuân thủ.
Ông Thượng còn nhấn mạnh sẽ quản lý hồ sơ bệnh án và Sở Y tế sẽ nắm tất cả đầu mối bệnh nhân thẩm mỹ, mới hy vọng trị dứt điểm căn bệnh thẩm mỹ chui: “Chúng ta phải đẩy mạnh và bắt buộc tất cả các phòng khám, bệnh viện đều phải làm nghiêm hồ sơ bệnh án về thẩm mỹ. Để thuận lợi Sở Y tế sẽ số hóa các hồ sơ về thẩm mỹ, các dữ liệu toàn bộ chạy về Sở Y tế. Đây là dữ liệu hết sức quan trọng trong công tác quản lý chứ không thể để phòng khám tự do rồi không biết bao nhiêu người đến khám, làm kỹ thuật gì. Cái này chưa có quy định nhưng chúng ta sẽ xin thí điểm”.
Những cuộc thảo luận đã chỉ ra nhiều vấn đề nghiêm trọng liên quan đến hoạt động thẩm mỹ không an toàn, đồng thời đề xuất thêm các giải pháp cụ thể để nâng cao an toàn trong lĩnh vực này. Việc tăng cường quản lý, hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao nhận thức cộng đồng và sự phối hợp liên ngành được xác định là những ưu tiên hàng đầu.
Hy vọng sẽ không còn những câu chuyện đau lòng trên báo chí, những tai biến thẩm mỹ khiến bệnh nhân phải nhập viện hoặc tử vong.