Liên hệ

Bài nổi bật

Affiliate marketing tại Việt Nam: cơ hội và thách thức

Bài nghiên cứu đánh giá khái quát về các cơ hội và thách thức mà Affiliate Marketing (Marketing liên kết) mang lại đối với thị trường Việt Nam hiện nay. Affiliate marketing đã xuất hiện từ lâu trên thế giới nhưng tới thời gian gần đây từ năm 2018 mới đạt được những thành tựu nhất định tại thị trường Việt Nam. Trong khuôn khổ bài viết, dựa trên những nghiên cứu còn rất hạn chế của cá nhân, tác giả đưa ra những cái nhìn rõ hơn về cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp khi sử dụng Affiliate marketing.

1. Đặt vấn đề

Affiliate Marketing là một phương thức marketing ngày càng phổ biến tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Đây là một hình thức kết hợp giữa nhà cung cấp sản phẩm hoặc người bán (merchant/advertiser) và các đối tác, trong đó đối tác thực hiện hoạt động affiliate marketing được trả tiền hoa hồng cho mỗi hành động mua hàng thậm chí chỉ cần là hoạt động xem hàng hóa của khách hàng thông qua những đường dẫn (link) đến từ nhà cung cấp hay người bán. Đây là một cách hiệu quả để các doanh nghiệp tăng doanh số bán hàng và các đối tác hoạt động affiliate marketing có thể tạo ra thu nhập từ việc giới thiệu sản phẩm.

Thông qua các kết quả nghiên cứu trước đây về Affiliate marketing đồng thời tổng hợp các dữ liệu về hoạt động Affiliate marketing trên thực tế, nghiên cứu này đưa ra các phân tích về những cơ hội và thách thức mà affiliate marketing đem lại đối với các doanh nghiệp.

2. Cơ sở lý luận
2.1. Khái niệm về Affiliate marketing

Sự xuất hiện của Affiliate marketing bắt đầu vào năm 1994 khi công ty CD Now tung ra một chương trình hoa hồng dành cho các cộng tác viên khi triển khai giới thiệu và bán các sản phẩm âm nhạc trên Internet. Đến năm 1996, Amazon đã tạo ra một chương trình được gọi là Amazon Associates Program dựa trên hình thức mà CD Now đã áp dụng, và thuật ngữ Affiliate marketing chính thức được ra đời và phát triển đến ngày nay.

Tuy nhiên, phải đến những năm đầu thế kỷ 21, các khái niệm về Affiliate marketing mới thực sự xuất hiện dưới góc độ nghiên cứu khoa học. Từ nghiên cứu của Hoffman và Novak (2000), affiliate marketing là hành động quảng bá sản phẩm của người khác thông qua internet để kiếm hoa hồng từ các nhà cung cấp. Sau đó, Gallaugher và Auger (2001) đã đưa ra khái niệm về affiliate marketing là một hình thức marketing trực tuyến nơi người bán (Advertiser/Merchant), chia sẻ phần trăm doanh thu bán hàng được tạo ra bởi mỗi khách hàng đã truy cập trang web của công ty thông qua các hoạt động cung cấp nội dung truyền thông của các cộng tác viên (Publishers)…

Và theo các nghiên cứu của Del Franco & Miller (2003); Goff (2006); Goldschmidt và cộng sự (2003); Haig (2001); Mariussen và cộng sự (2010), khái niệm về affiliate marketing là một loại hình marketing, và thông qua loại hình nàyđơn vị liên kết sẽ ký hợp đồng với người bán/ nhà cung ứng để giới thiệu sản phẩm bằng việc chia sẻ các đường dẫn hướng đến trang web liên kết có chứa sản phẩm.

Trong nghiên cứu này, tác giả dựa theo khái niệm về Affiliate marketing của Gallaugher và Auger (2001) để làm cơ sở lý luận.

2.2. Các đối tượng tham gia vào hoạt động affiliate marketing

– Advertiser/Merchant: được biết đến là nhà cung cấp. Họ là người cung cấp các thông tin cụ thể về các sản phẩm cho các cộng tác viên để hoạt động marketing được diễn ra.

– Publishers: đây là các đối tượng có thể coi

là cộng tác viên, người làm Affiliate marketing. Đối tượng này có thể là các cá nhân hoặc tổ chức có hoạt động trong lĩnh vực marketing sản phẩm trực tuyến.

– Affiliate network: Mạng lưới liên kết này đóng vai trò trung gian kết nối giữa nhà cung cấp sản phẩm với các Publisher. Khi có hoạt động mua sản phẩm được thực hiện thì mạng lưới liên kết này sẽ là nơi thực hiện chuyển dịch thông tin khách hàng cho nhà cung cấp để họ thực hiện công việc điều chuyển hàng hóa và ước định mức hoa hồng dành cho các cộng tác viên. Đây cũng là nơi giải quyết các tranh chấp giữa các bên.

– Customer: Khách hàng sẽ là người thực hiện các hoạt động trên các mạng liên kết như: tìm kiếm thông tin, thực hiện mua sắm, đăng ký thông tin, …

3. Phương pháp nghiên cứu

Bài viết sử dụng dữ liệu định tính được tác giả sử dụng như sau:

+ Dữ liệu thứ cấp: thu thập dữ liệu thông qua các bài báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành về Marketing, mạng internet, các bài viết trong và ngoài nước, các số liệu và báo cáo từ các tổ chức uy tín, các bài kỷ yếu hội thảo và báo cáo từ các tổ chức uy tín như Bộ công thương, …

+ Quy trình thực hiện: (1) Thu thập các dữ liệu mới nhất từ các nguồn dữ liệu dễ tiếp cận như sách, báo, internet…; (2) Các dữ liệu được lọc ra với độ tin cậy, chính xác và khả năng sử dụng. Các dữ liệu thực tế để nghiên cứu phù hợp được tìm hiều từ năm 2019 đến nay; (3) Phân tích tổng hợp, từ đó rút ra những nội dung theo mục tiêu đã xác định

4. Cơ hội và thách thức nổi bật mà Affiliate marketing đem đến đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam
4.1. Cơ hội mà Affiliate marketing đem đến đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam

Hiện nay, tại Việt Nam, có nhiều đối tượng sử dụng Affiliate marketing như các doanh nghiệp bán lẻ, thương mại điện tử, ngân hàng, bảo hiểm và các dịch vụ du lịch. Đặc biệt, các doanh nghiệp bán lẻ là đối tượng đang sử dụng Affiliate marketing nhiều nhất. Các doanh nghiệp này sử dụng Affiliate marketing như một công cụ để giúp họ tăng doanh số bán hàng và tiếp cận được đến khách hàng tiềm năng. Dựa vào tình hình phát triền này, Affiliate marketing đem đến rất nhiều cơ hội đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam.

4.1.1. Sự bùng nổ của Affiliate marketing trên các sàn thương mại điện tử+

Theo thống kê đến hết năm 2020, quy mô thị trường Thương mại điện tử tại Việt Nam đạt gần 16,4 tỷ USD (nguồn: Sác trắng bộ Công thương) tăng 16,4% so với năm 2021 với 13 tỷ USD (nguồn: sách trắng bộ Công thương), đây là một trường tiềm năng cao cho Affiliate marketing. Các sàn thương mại điện tử hiện nay đã tự xây dựng được nền tảng và mạng liên kết cho riêng mình, nổi bật nhất tại Việt Nam hiện nay là Shopee, Lazada và Tiki. Tận dụng số lượng người dùng mạng xã hội cao, họ đã tạo nên mạng lưới liên kết vững chắc giúp các nhà cung ứng tiếp cận được với khách hàng.

So sánh giữa các năm cho thấy sự tăng trưởng rõ rệt về các đặc điểm lượng truy cập website; xếp hạng truy cập trên các nền tảng IOS và Android (các nền tảng di động); truy cập thông qua các nền tảng mạng xã hội của các sàn Thương mại điện tử chỉ trong một năm (2021-2022).

Hình 1: Tổng hợp báo cáo các sàn thương mại điện tử quý 1/2021

Affiliate marketing
Nguồn: iprice

Hình 2: Tổng hợp báo cáo các sàn thương mại điện tử quý 1/2022

Affiliate marketing 2
Nguồn: iprice

Đặc điểm chung của các sàn Thương mại điện tử hiện nay là sự liên kết chặt chẽ với các nền tảng mạng xã hội giúp cho việc tăng trưởng nhanh và ổn định. Theo thống kê cho thấy gần 70% các doanh nghiệp tại Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh có gian hàng trên một hay nhiều sàn thương mại điện tử. Các sàn thương mại điện tử cũng tạo ra những chương trình tỉ lệ hoa hồng vô cùng hấp dẫn dành cho các publishers có thể kể đến như: tỉ lệ của Shopee từ 2,1% cho đến 11,55%; tỉ lệ của Lazada ở mức 14%; tỉ lệ của Tiki ở mức 7,92%. Điều này đối với các doanh nghiệp là cơ hội rất lớn để tận dụng các các sàn thương mại điện tử thông qua Affiliate marketing để có thể tiếp cận đến khách hàng dễ dàng nhất, đồng thời tạo sự ổn định về lưu lượng khách hàng truy cập và biết đến thông tin của doanh nghiệp. Điều đó là một mình chứng rõ ràng cho thấy Affiliate marketing trên các sàn thương mại điện tử trở thành một trong những phương thức marketing vô cùng quan trọng.  

4.1.2. Affiliate thông qua mạng xã hội đang trở thành xu hướng

Hiện nay tại Việt Nam có hơn 72 triệu người dùng mạng xã hội, đây là thị trường màu mỡ hàng triệu USD đối với những publishers.

Hình 3: Những nền tảng mạng xã hội thông dụng nhất tại Việt Nam năm 2021

Affiliate marketing 3
Nguồn: datareportal

Mạng xã hội tại Việt Nam có lưu lượng và mật độ người dùng có tần suất bao phủ dày đặc. Đây là kênh mà các nhà cung ứng dễ dàng tạo ra một chiến dịch truyền thông hiệu quả. Tận dụng khả năng này cùng với sự phổ biến của các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, YouTube, TikTok và Zalo, các doanh nghiệp đã bắt đầu sử dụng mạng xã hội để thực hiện hoạt động marketing. Sử dụng mạng xá hội để tiếp cận đối tượng khách hàng rộng hơn là một trong những cách tiết kiệm chi phí mang lại hiệu quả trong Affiliate marketing. Cùng với đó, tính năng nổi bật khác từ mạng xã hội giúp cho affiliate có thể phát triển mạnh mẽ và thành xu hướng trên các mạng xẫ hội này là tính năng chia sẻ và tương tác. Chính vì vậy các publishers dễ dàng tham gia vào những hoạt động này nhằm tăng cường mức độ tiếp cận của khách hàng đến với sản phẩm thông qua các đường dẫn liên kết họ tạo ra. Việc sáng tạo không giới hạn từ những publishers có thể gia tăng sức cạnh tranh của Affiliate marketing, đặc biệt trong việc đưa ra những nội dung độc đáo và thú vị, tăng tính tò mò đối với các sản phẩm. Có thể nói, hoạt động Affiliate marketing thông qua mạng xã hội đem đến những cơ hội tuyệt vời và không giới hạn, mang đến một không gian rộng mở để tiếp xúc tới các khách hàng.

4.1.3. Sức ảnh hưởng lớn đến từ những người có tầm ảnh hưởng (KOLs)

Thông qua sự ảnh hưởng của KOLs, khách hàng dễ dàng tiếp nhận được thông điệp của sản phẩm của nhà cung cấp. Với sự đảm bảo của KOLs, cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đều có được sự tin tưởng đối với việc giới thiệu sản phẩm cũng như bản thân chính sản phẩm. Chính vì vậy, hoạt động Affiliate marketing thông qua những KOLs là một cơ hội tiềm năng để tăng doanh số bán và đạt được sự tin cậy nhất định khi có sự xuất hiện của các đường dẫn affiliate. Bên cạnh đó, việc sử dụng KOLs để thực hiện Affiliate marketing hoàn toàn giúp doanh nghiệp cũng có thể đánh giá trực tiếp sự hiệu quả của phương thức này một cách nhanh chóng so với các phương thức khác.

4.2. Thách thức đặt ra cho doanh nghiệp Việt Nam khi ứng dụng Affiliate marketing

Affiliate marketing có thể được xem là một sự kết hợp của rất nhiều các kênh marketing số. Tại các mạng lưới liên kết, các doanh nghiệp có thể lựa chọn một hay nhiều phương thức để đạt hiệu quả tốt nhất trong việc kết nối với khách hàng của họ. Đối với các phương thức nổi bật đã được nêu ở trên, tác giả đi vào phân tích và đề xuất và giải pháp cho các vấn đề đặt ra với mỗi phương thức Affiliate marketing.

4.2.1. Sự tiện lợi và nhanh chóng đến từ các sàn thương mại điện tử

Thông qua các sàn thương ại điện tử, hoạt động Affiliate marketing trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn rất nhiều so với tự bản thân nhà cung cấp/ người bán đưa ra chiến dịch marketing của mình. Trong hoạt động Affiliate marketing, bản thân các sàn thương mại điện tử chỉ là cầu nối liên kết. Chính vì vậy, việc cạnh tranh trong hoạt động này giữa các doanh nghiệp ngày càng trở nên gay gắt. Thách thức được đặt ra đối với các doanh nghiệp chính là tối ưu các trải nghiệm của người dùng khi họ nhận được những đường dẫn mà bản thân doanh nghiệp tạo ra. Để làm được điều này, các doanh nghiệp cần bắt kịp các xu hướng, tối ưu hóa hoạt động logistic, cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết một cách tinh gọn nhưng phải có sức hút.

4.2.2. Độ tin cậy mang tên mạng xã hội

Mạng xã hội là nơi tập trung của rất nhiều người dùng ở mọi lứa tuổi. Đây là thách thức không hề nhỏ khi các doanh nghiệp tại Việt Nam sử dụng affiliate thông qua mạng xã hội. Việc kiểm soát các vấn đề về thông tin và các vấn đề về những đường dẫn phải được kiểm soát chặt chẽ vì đối tượng nhận tin vô cùng phức tạp và những thông tin này có thể ảnh hưởng không tốt tới doanh nghiệp. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần có những biện pháp phù hợp nhằm kiểm soát về vấn đề này như: đưa ra các quy chuẩn về nội dung truyền đạt đối với publishers; theo dõi chặt chẽ nội dung được đăng tải và kiểm tra sự tương tác, phản hồi từ chính những nội dung đó.

4.2.3. KOLs – Vấn đề đạo đức nghề nghiệp

Sử dụng các KOLs trong hoạt động Affiliate marketing hiện nay tuy là một cơ hội rất lớn giúp doanh nghiệp tiếp cận và lấy được lòng tin từ khách hàng. Tuy nhiên, sự xuất hiện của rất nhiều đối tượng tự xưng là KOLs đã và đang ảnh hưởng rất xấu đến thái độ của khách hàng. Chính vì vậy việc lựa chọn đúng đối tượng hoạt động đúng với đạo đức nghề nghiệp là thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp. Để có thể lựa chọn được KOLs phù hợp, các doanh nghiệp cần có sự đầu tư và cân nhắc kỹ lưỡng, đồng thời cần kiểm soát những nội dung mà những đối tượng này sử dụng trong hoạt động truyền thông sản phẩm, đồng thời cần có theo dõi ý kiến và phản hồi của khách hàng một cách chặt chẽ.

5. Kết luận

Affiliate marketing được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong các năm tới, đặc biệt là khi thị trường kinh doanh online đang ngày càng phát triển. Các doanh nghiệp sẽ tiếp tục sử dụng Affiliate marketing để tiếp cận đến khách hàng một cách hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn so với các phương thức marketing khác khác.

Trong bài viết trên, tác giả đã đưa ra những thách thức và cơ hội mà Affiliate marketing đem đến cho các doanh nghệp tại Việt Nam. Với việc phát triển của công nghệ và sự bùng nổ của thương mại điện tử và marketing thông qua mạng xã hội hay những KOLs, Affiliate marketing cũng sẽ tiếp tục thay đổi và đem đến những cô hội mới. Bên cạnh những cơ hội sẽ là những thách thức không hề nhỏ mà các doanh nghiệp phải đối mặt. Điều này đòi hỏi sự thích nghi rất lớn đến từ bản thân các doanh nghiệp trong việc đưa ra những lựa chọn về các phương thức Affiliate marketing. Bên cạnh đó, họ cũng cần đảm bảo rằng các các publishers thực hiện Affiliate marketing đang tuân thủ các quy định và định mức được đưa ra, kết hợp với các biện pháp để đối phó với các rủi ro tiềm ẩn. Nếu được thực hiện đúng cách, Affiliate marketing sẽ giúp các doanh nghiệp tại Việt Nam tăng cường sự tiếp cận với khách hàng, tăng doanh số bán, đồng thời tạo ra lợi nhuận và cạnh tranh trên thị trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Simon Kemp (2022). Digital 2022: Vietnam. [Online] Availabile at https://datareportal.com/reports/digital-2022-vietnam
  2. Bản đồ thương mại điện tử Việt Nam. Truy cập tại https://iprice.vn/insights/mapofecommerce/
  3. Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số, Bộ Công Thương (2022). Sách trắng thương mại điện tử 2022. Truy cập tại https://trungtamwto.vn/an-pham/21564-sach-trang-thuong-mai-dien-tu-viet-nam-2022
  4. Donna L. Hoffman and Thomas P. Novak (2015). How to accqurie customers on the Web. [Online] Availabile at https://hbr.org/2000/05/how-to-acquire-customers-on-the-web
  5. Kaur, J. & Wadera, D. (2017). Affiliate Marketing Strategy of Amazon India. Affiliate Marketing Strategy of Amazon India. Jaipuria School of Business, India.
  6. Leigh Deidra (2017). How to Make Money Selling Ad Space on Your Website. [Online] Availabile at http://www.ehow.com/how_6464914_make-selling-ad-space-website.html
  7. Shopee (2022). Hoa hồng tiếp thị liên kết dành cho người bán Shopee. Truy cập tại https://shopee.vn/ affiliate/hoa-hong-tiep-thi-lien-ket-danh-cho-nguoi-ban-shopee/
  8. Tỷ lệ hoa hồng của Lazada. Truy cập tại https://pages.lazada.vn/wow/i/vn/corp/affiliate-commission? hybrid=1&scm=1003.4.icms-zebra-5023829-2778436.OTHER_5292843642_2433514
  9. Tỷ lệ hoa hồng của Tiki. Truy cập tại https://tiki.vn/khuyen-mai/huong-dan-lay-affiliate-link

Tác giả: ThS. TĂNG DUY QUANG (Trường Đại học Thương mại) / Tạp chí Công Thương

Xem thêm:

Continue Reading
Advertisement

More in Bài nổi bật

Advertisement
Advertisement

Bài nổi bật

Advertisement
To Top