Bài nổi bật
Đạo đức kinh doanh khủng hoảng vì lòng tham lợi nhuận
Đăng bởi
Sự gia tăng các vụ việc liên quan đến hàng giả, thực phẩm độc hại trong thời gian gần đây không chỉ là mối lo về an toàn sức khỏe cộng đồng, mà còn gióng lên hồi chuông cảnh báo về khủng hoảng đạo đức trong kinh doanh.
Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong 4 tháng đầu năm 2025, các đơn vị, địa phương đã bắt giữ, xử lý hơn 34.000 vụ việc vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ; sử dụng hóa chất độc hại, trong đó, đã khởi tố hình sự gần 1.400 vụ, hơn 2.100 đối tượng.
Đáng chú ý, tình trạng này vẫn hoạt động công khai ở nhiều nơi, gia tăng trên môi trường thương mại điện tử với quy mô lớn, thời gian dài, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhân dân.
Hàng loạt các vụ việc được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý gần đây đã khiến dư luận bàng hoàng: Chưa bao giờ vấn nạn về đạo đức kinh doanh lại cần đặt lên hàng đầu như hiện nay. Động cơ kinh tế luôn là yếu tố chính thúc đẩy gian lận kinh doanh, khi các công ty thay thế nguyên liệu chất lượng cao bằng những thứ rẻ tiền hơn để giảm chi phí.

Những vụ hàng giả, thực phẩm bẩn gây rúng động dư luận
Điều đáng nói, hàng giả được sản xuất trong cả lĩnh vực thực phẩm, thuốc, thực phẩm chức năng,… những thứ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng.
Tháng 4.2025, một đường dây sản xuất và tiêu thụ sữa bột giả quy mô lớn của Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group, do Hoàng Mạnh Hà và Vũ Mạnh Cường cầm đầu, đã bị Bộ Công an triệt phá.
Nhóm này đã sản xuất 573 loại sữa bột giả trong suốt 4 năm, nhắm vào những người dễ bị tổn thương nhất: trẻ em, phụ nữ mang thai, người già, bệnh nhân tiểu đường và suy thận. Các sản phẩm này được quảng cáo là chứa tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca… nhưng thực chất chỉ là hỗn hợp phụ gia rẻ tiền, với chất lượng không đạt 70% so với công bố; với gần 500 tỷ đồng doanh thu bất chính và thiệt hại ngân sách 28 tỷ đồng do gian lận thuế.
Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa cũng vừa đấu tranh triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả, thu giữ 21 loại thuốc tân dược, thuốc chữa xương khớp giả. Tổng khối lượng thuốc tân dược giả và nguyên liệu để làm thuốc tân dược giả công an thu giữ được gần 10 tấn. Kể từ năm 2021 đến khi bị bắt, đường dây này đã bán ra thị trường số lượng thuốc giả rất lớn, số tiền ước tính gần 200 tỉ đồng.
Tương tự, vụ kẹo Kera cho thấy các doanh nghiệp sẵn sàng thổi phồng công dụng sản phẩm, bất chấp hậu quả sức khỏe, chỉ để tăng doanh số.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với chủ cơ sở sản xuất tiêu thụ khoảng 60 tấn giá đỗ “ngậm” chất kích thích tăng trưởng 6-Benzylaminopurine, một loại chất kích thích tăng trưởng nằm ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm. Trung bình mỗi ngày cơ sở này đã làm khoảng 500kg giá đỗ.
Trong những ngày vừa qua, lực lượng quản lý thị trường thành phố Hà Nội cũng đã liên tiếp bắt giữ nhiều vụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thực phẩm bẩn, trong đó có cả thảo dược giả.
Qua kiểm tra các điểm tập kết hàng hóa, cơ quan chức năng phát hiện tạm giữ 800kg thực phẩm đông lạnh (tràng, trứng gà non), 10.000 sản phẩm là xúc xích, 300 sản phẩm là sữa bột, sữa nước trẻ em do nước ngoài sản xuất, không có hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; 11.430 hộp thực phẩm các loại (trà, sữa hạt, viên uống…) có dấu hiệu vi phạm pháp luật, với tổng giá trị hàng hóa vi phạm lên tới hàng tỷ đồng.
Ngoài ra, không ít lần các cơ quan chức năng đã thu giữ, triệt phá các vụ án sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày như mỹ phẩm giả, gạo giả, trứng giả, bánh kẹo, hạt nêm, mỳ chính, dầu ăn,… kém chất lượng.

Lỗ hổng trong quản lý và thực thi pháp luật
Các chuyên gia pháp lý nhận định rằng, lòng tham cá nhân chỉ là một phần. Lỗ hổng trong quản lý và thực thi pháp luật cũng góp phần không nhỏ. Vụ sữa bột giả, thuốc giả hoạt động trong suốt nhiều năm mà không bị phát hiện cho thấy sự thiếu hiệu quả trong giám sát chuỗi cung ứng.
Quản lý lỏng lẻo và thực thi pháp luật yếu góp phần là nguyên nhân khiến hàng giả tràn lan. Thêm vào đó, ý thức của một bộ phận người tiêu dùng, thường ưu tiên giá rẻ hơn chất lượng, vô tình tạo cơ hội cho hàng giả phát triển.
Theo đoàn luật sư tại Văn phòng Luật Indochina, các đối tượng này thường khai thác lỗ hổng trong cơ chế “tự công bố sản phẩm” – vốn được thiết kế giảm thủ tục hành chính – để hợp pháp hóa hành vi gian dối.
Cơ chế tự công bố hiện nay cho phép các doanh nghiệp tự đưa sản phẩm như thực phẩm chức năng, sữa bột (trừ sữa cho trẻ dưới 36 tháng tuổi) ra thị trường mà không cần kiểm định chất lượng ban đầu từ cơ quan chức năng. Hệ quả là một “hệ sinh thái hàng giả” đã hình thành, vận hành âm thầm suốt nhiều năm với mạng lưới phân phối rộng khắp.
Các sản phẩm thực phẩm chức năng giả thường đánh vào tâm lý phụ nữ, người già – cũng sử dụng chiêu thức tương tự: tự công bố, sau đó quảng bá rầm rộ trên mạng xã hội với sự tiếp tay của các KOL nổi tiếng. Điểm chung của các vụ này là sự “hợp pháp hóa” sản phẩm giả thông qua hình thức tự công bố và lỗ hổng trong khâu hậu kiểm.

Cần thực hiện các giải pháp đồng bộ
Các vụ việc liên tiếp về sữa giả, thuốc giả, thực phẩm giả, cho thấy vấn đề không chỉ nằm ở hành vi vi phạm cá nhân, mà phản ánh một sự suy thoái sâu sắc trong đạo đức kinh doanh và năng lực quản lý thị trường.
Đạo đức kinh doanh vốn là nền tảng để thị trường vận hành bền vững. Khi một doanh nghiệp sẵn sàng đánh đổi tính mạng và sức khỏe cộng đồng để tối đa hóa lợi nhuận, thì đó không chỉ là vi phạm pháp luật, mà còn là sự phá hoại môi trường kinh doanh nói chung.
Trong khi đó, lòng tham lợi nhuận đang lấn át các chuẩn mực đạo đức. Trong vụ sữa bột giả, việc sản xuất các loại “sữa đặc trị” nhắm vào người bệnh – những người cần chế độ dinh dưỡng đặc biệt nhưng lại là hàng giả, kém chất lượng – không khác gì hành vi tấn công trực tiếp vào sinh mạng con người.
Tương tự, việc thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng, thuốc, hay sử dụng KOL để quảng bá sai lệch không chỉ gây hại sức khỏe mà còn khiến người tiêu dùng mất phương hướng, mất niềm tin vào hàng hóa trong nước.
Luật sư Nguyễn Tuấn Mạnh, văn phòng Luật Indochina cho rằng, để ngăn chặn tình trạng hàng giả, cần một loạt giải pháp đồng bộ như cơ chế hậu kiểm cần được làm nghiêm túc, định kỳ, có công cụ giám sát số hóa, không để doanh nghiệp tự tung tự tác sau khi “tự công bố”.
Tiếp theo là minh bạch truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ, QR code trong chuỗi cung ứng để người tiêu dùng kiểm tra dễ dàng nguồn gốc, thành phần, chứng nhận chất lượng.
Doanh nghiệp chân chính cần tham gia vào giám sát thị trường, phối hợp xác minh khi phát hiện hàng giả mạo nhãn hiệu, chủ động cảnh báo đến khách hàng. Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức cộng đồng, khuyến khích tiêu dùng có trách nhiệm, tố giác hành vi gian lận.
Cuối cùng, đạo đức kinh doanh không thể đến từ một phía. Nó đòi hỏi một môi trường được nuôi dưỡng bởi quản trị tốt, luật pháp công bằng, truyền thông chính trực và người tiêu dùng có tri thức.
Theo Hải Lâm / vietnamfinance.vn
Xem thêm:
