Bài nổi bật
Tiki: Từ ‘giấc mộng’ IPO tại Mỹ, đến thực tại sa sút và dần mất hút
Từng tiệm cận mức định giá “kỳ lân” và hứng khởi với kế hoạch IPO tại Mỹ, Tiki giờ đây lại rơi vào giai đoạn suy giảm sâu, với thị phần gần về 0%.
Ngày 6/5, người dùng phản ánh khi truy cập vào trang web chính thức của nền tảng thương mại điện tử Tiki đã bất ngờ bị chuyển hướng sang trang web về cá độ.
Đáng chú ý, tình trạng này chỉ xảy ra khi người dùng truy cập Tiki thông qua trình duyệt web máy tính, trong khi đó việc truy cập bằng trình duyệt di động cũng như ứng dụng Tiki vẫn diễn ra bình thường.
Trước khi tình trạng trang web của Tiki bị chuyển hướng sang trang web cá độ, người dùng cũng đã gặp phải tình trạng khó khăn khi truy cập vào trang web và ứng dụng của nền tảng thương mại điện tử này.
Trên trang Facebook chính thức, Tiki cho biết nền tảng này đang gặp vấn đề về kỹ thuật khiến việc truy cập gặp trở ngại và đội ngũ kỹ thuật của công ty đang khắc phục vấn đề.
Đến tối 6/5, Tiki cho biết tình trạng trên do lỗi tên miền của trang. “Đây là sự cố liên quan tới tên miền Tiki.vn. Hệ thống Tiki hoàn toàn không gặp vấn đề kỹ thuật”, đơn vị này khẳng định. Đến thời điểm hiện tại, tình trạng tự động chuyển hướng trang web Tiki đã được khắc phục. Ứng dụng và trang web của Tiki đã trở lại bình thường.
Diễn biến này của Tiki nhận được sự quan tâm của người dùng. Nhiều người tò mò tìm hiểu lại nền tảng thương mại điện tử này bởi đã từ lâu cái tên Tiki gần như rất ít xuất hiện.
Giấc mộng IPO Mỹ của Tiki
Tiki được thành lập vào năm 2010 với khởi đầu là một website cung cấp các sản phẩm sách tiếng Anh online và sau đó trở thành một trong những sàn thương mại điện tử “cây nhà lá vườn” lớn nhất Việt Nam.

Bắt đầu từ năm 2012, Tiki đã nhận dòng vốn ngoại từ quỹ CyberAgent Ventures của Nhật Bản rót vốn đầu tư 500.000 USD. Sau đó, doanh nghiệp tiếp tục được rót vốn bởi nhiều cái tên đáng chú ý khác như Sumitomo, JD.com, STIC, KIP.
Tới năm 2016, VNG của ông Lê Hồng Minh quyết định mua gần 4 triệu cổ phiếu, tương đương 38% cổ phần của Tiki. Thương vụ này hoàn tất vào tháng 2/2016 và Tiki bắt đầu được ghi nhận là một công ty liên kết của VNG.
Tuy nhiên, chỉ 3 năm sau, tới quý II/2019, khoản đầu tư hơn 506 tỷ đồng của VNG vào Tiki đã “bốc hơi” hết. Báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2019 của VNG cho biết công ty này đã lỗ lũy kế hết phần vốn đầu tư vào Tiki. Tới tháng 3/2021, VNG giảm tỷ lệ nắm giữ tại Tiki xuống 20,18%. Trong báo cáo của VNG, giá trị đầu tư của họ vào Tiki đã về 0 tính đến cuối năm 2022.
Theo dữ liệu từ chuyên trang theo dõi startup Crunchbase, tính đến ngày 2/5/2022, Tiki đã trải qua tổng cộng 10 vòng gọi vốn, huy động thành công 470,5 triệu USD. Trong đó, vòng có số lượng nhà đầu tư tham gia đông đảo nhất là vòng gọi vốn Series E vào tháng 10/2021, với 6 nhà đầu tư tham gia và huy động 258 triệu USD.
Một số tên tuổi từng rót vốn cho sàn thương mại điện tử này có thể kể tới như UBS, Yuanta Investment, Mirae Asset-Naver Asia Growth Fund, Nextrans, Northstar Group, STIC Investment…
Vào thời điểm tháng 10/2021, sau vòng gọi vốn Series E, định giá của Tiki từng đạt mức 832 triệu USD, tiệm cận trạng thái “kỳ lân” (các startup có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên). Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, Tiki không ghi nhận thêm khoản đầu tư chính thức nào.
Thời điểm được định giá lên gần 1 tỷ USD, nhà sáng lập Tiki từng tiết lộ rằng doanh nghiệp có kế hoạch dự kiến chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ vào năm 2025, tuy nhiên thương vụ này có thể diễn ra sớm hơn.
Một trong những phương án IPO mà Tiki có thể lựa chọn là thông qua việc sáp nhập với một SPAC (công ty mua lại với mục đích đặc biệt). Tuy nhiên, từ đó đến nay vẫn chưa có quyết định chính thức nào được công bố.
Trên website hiện tại, Tiki giới thiệu là một hệ sinh thái thương mại tất cả trong một, gồm các công ty thành viên như Công ty TNHH TI KI là đơn vị thiết lập, tổ chức sàn thương mại điện tử www.tiki.vn để các nhà bán hàng thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn thương mại điện tử; Công ty TNHH TikiNOW Smart Logistics (“TNSL”) là đơn vị cung cấp các dịch vụ logistics đầu-cuối, dịch vụ vận chuyển, dịch vụ bưu chính cho sàn thương mại điện tử www.tiki.vn; Công ty TNHH MTV Thương mại Ti Ki (“Tiki Trading”) là đơn vị bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn thương mại điện tử…

Cập nhật từ cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Tiki hiện có vốn điều lệ là hơn 5.916 tỷ đồng. Thời điểm tháng 4/2021, doanh nghiệp có tổng cộng 20 cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài.
Hiện, ông Trần Ngọc Thái Sơn (sinh năm 1981) là Chủ tịch và là người đại diện pháp luật của Tiki. Ông Sơn cũng đồng thời được uỷ quyền là người đại diện phần vốn của các cổ đông nước ngoài tại Tiki.
Tiki sa sút và dần mất hút
Ngược về quá khứ, Tiki từng được coi là đối thủ “đáng gờm” của Shopee và Lazada. Tuy nhiên, mỗi khi thị trường xuất hiện người chơi mới, thị phần của Tiki lại giảm xuống.
Cụ thể, trước khi Shopee xuất hiện năm 2016, thương mại điện tử ở Việt Nam chủ yếu là cuộc đối đầu giữa Lazada và Tiki. Bằng cách đổ rất nhiều tiền vào khuyến mại và miễn phí vận chuyện cho cả người bán lẫn người mua, chỉ trong vỏn vẹn hơn 2 năm, Shopee đã đánh bại cả Lazada và Tiki để dẫn đầu thị trường.
Theo báo cáo thị trường mua sắm trực tuyến năm 2018 do Công ty Q&Me thực hiện, Shopee đã vươn lên chiếm thị phần 35%, soán ngôi đầu thị trường của Lazada trong năm 2017. Thị phần của Lazada từ mức trên 30% xuống còn 20% và tiếp theo là Tiki chiếm 17%. Càng những năm sau, khoảng cách giữa Tiki và Shopee càng nới rộng.
Giữa năm 2022, TikTok Shop chính thức vận hành tại Việt Nam và bằng thế mạnh livestream, họ cũng đã nhanh chóng bứt tốc, tiến sát Shopee. Lúc này, Lazada và Tiki ngày càng thụt lùi về thị phần.
Bước sang quý I/2025, bức tranh thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục có sự phân hóa rõ rệt giữa các nền tảng. Trong khi Shopee và TikTok Shop tiếp tục duy trì tăng trưởng doanh số, thì Tiki lại rơi vào giai đoạn suy giảm sâu, với tổng giá trị giao dịch (GMV) trong quý lao dốc tới 57% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dữ liệu từ nền tảng EcomHeat (YouNet ECI) cho thấy phần lớn ngành hàng trên Tiki đều ghi nhận mức sụt giảm hai chữ số. Nhiều nhóm ngành thậm chí giảm hơn 50% về GMV, trong đó đáng chú ý có voucher & dịch vụ giảm mạnh nhất lên tới 90,1%; ô tô, xe máy giảm 72,5%; thực phẩm & đồ uống giảm 69,9% và sức khỏe giảm 69,1%. Các ngành bán chạy truyền thống như mẹ và bé giảm 29,3%; công nghệ giảm 24,2% và điện gia dụng giảm 69,9% cũng không thoát khỏi xu hướng đi xuống.
Trước đó, báo cáo tổng kết năm 2024 của YouNet ECI từng ghi nhận thị phần của Tiki chỉ còn 0,9%, thấp hơn nhiều so với Shopee là 66,7%, TikTok Shop là 26,9% và Lazada là 5,5%. Diễn biến sụt giảm GMV trong quý I/2025 cho thấy đà suy yếu của Tiki không phải hiện tượng nhất thời, mà là hệ quả kéo dài từ sự mất thị phần đáng kể suốt năm trước.
Còn theo báo cáo thị trường thương mại điện tử quý I/2025 của nền tảng phân tích dữ liệu Metric, Tiki tiếp tục cho thấy dấu hiệu suy yếu rõ rệt khi doanh số sụt giảm 66,6% trong quý I/2025, mức giảm mạnh nhất trong số các nền tảng thương mại điện tử lớn tại Việt Nam.
Thị phần của Tiki theo đó chỉ còn ở mức rất thấp, đến mức không còn được hiển thị rõ trên biểu đồ tỷ trọng toàn thị trường.

Tiki tiếp tục cho thấy dấu hiệu suy yếu rõ rệt khi doanh số sụt giảm 66,6% trong quý I/2025, mức giảm mạnh nhất trong số các nền tảng thương mại điện tử lớn tại Việt Nam. Thị phần của Tiki theo đó chỉ còn ở mức rất thấp, đến mức không còn được hiển thị rõ trên biểu đồ tỷ trọng toàn thị trường.
Metric lý giải sở dĩ Tiki lép vế với các đối thủ do đối diện thách thức từ nền tảng nội dung, chưa tối ưu trải nghiệm người dùng và khả năng tạo hiệu quả kênh bán.
Cơ hội nào cho Tiki? Đánh giá về sự sa sút của Tiki, TS. Khúc Đại Long (Khoa Marketing, trường Đại học Thương mại) nhận định, chính sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng, đặc biệt ở nhóm khách hàng trẻ là yếu tố then chốt khiến Tiki mất dần thị phần. Theo TS. Khúc Đại Long, người tiêu dùng hiện nay không chỉ tìm kiếm sản phẩm mà còn mong đợi một trải nghiệm mua sắm gắn liền với yếu tố giải trí, tương tác và khám phá. Trong khi TikTok Shop tận dụng tối đa xu hướng này với video ngắn, livestream bán hàng và nội dung cá nhân hóa thì Tiki vẫn chủ yếu vận hành theo mô hình thương mại điện tử truyền thống, tập trung vào tìm kiếm sản phẩm, đặt hàng và giao nhận. “Việc duy trì mô hình cũ khiến Tiki trở nên ‘lạc nhịp’ với xu hướng tiêu dùng mới. Trải nghiệm mua sắm trên Tiki giờ đây đã không còn hấp dẫn người tiêu dùng, nhất là thế hệ trẻ – nhóm khách hàng đang chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trên thị trường thương mại điện tử”, TS. Khúc Đại Long nhận định. Để lấy lại vị thế trên bản đồ thương mại điện tử Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Nguyễn Ngọc Dũng, cho rằng các sàn thương mại điện tử nội địa như Tiki cần nhanh chóng đổi mới, đầu tư vào công nghệ, áp dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu trải nghiệm người dùng; kết hợp giải trí vào mua sắm, đẩy mạnh các hoạt động livestream, video giới thiệu sản phẩm. Bên cạnh đó, ông Dũng cho rằng Tiki cũng cần tiếp tục cải thiện chính sách cho nhà bán hàng; tập trung hỗ trợ chi phí, đẩy mạnh công cụ marketing nội sàn, tăng tốc dịch vụ logistics. Đồng thời, phân tích lại phân khúc khách hàng mục tiêu để lựa chọn chiến lược phù hợp với bối cảnh mới. |
Theo Ngọc Lưu / vietnamfinance.vn
Xem thêm:
