Liên hệ

Bài nổi bật

Chuyên gia dự đoán gì về tương lai của influencer marketing năm 2023?

Ngày nay, influencer marketing sẽ tiếp tục được ưa chuộng trong năm 2023 vì vừa là cầu nối giữa thương hiệu và người dùng, vừa là cách để tăng độ tin cậy và tính xác thực.

Hình thức này đã trở thành một phần không thể thiếu trong các chiến dịch digital marketing mix và đang ngày càng đem lại nhiều lợi nhuận hơn nhờ sự thành công liên tiếp của TikTok, những tính năng mới của social commerce và những chiến dịch được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Vậy influencer marketing trong năm 2023 sẽ có diện mạo thế nào? Dựa trên các yếu tố như khủng hoảng kinh tế, mua sắm live stream,… các chuyên gia đã đưa ra một số dự đoán cho tương lai của hình thức marketing này

Ngân sách dành cho influencer vẫn sẽ cao bất chấp thời bão giá…

Pierre-Loïc Assayag, CEO và đồng sáng lập của Traackr cho biết:

“Cho dù ngân sách dành cho marketing có thể giảm trong năm 2023 vì suy thoái kinh tế cận kề, các thương hiệu vẫn sẽ gia tăng đầu tư vào influencer marketing. Trong đại dịch, cho dù nguồn lực bị hạn chế, chúng tôi nhận thấy rằng ROI từ influencer marketing vẫn cao hơn các digital media truyền thống. Các thương hiệu đều có bằng chứng cho thấy rằng họ cần dồn ngân sách vào influencer marketing vì đây là một cách giao tiếp với người tiêu dùng hiệu quả hơn và dễ sử dụng hơn.”

Alexander Frolov, CEO và đồng sáng lập của HypeAuditor:

“Cả marketer lẫn người tiêu dùng đều quan tâm đến tình hình vật giá leo thang. Những người mua hàng đang trở nên kén chọn thương hiệu hơn và chăm tìm khuyến mãi hơn bao giờ hết. Trong thời kỳ khó khăn này, một số người tiêu dùng  có thể quay lưng khỏi những thương hiệu đắt tiền, thay vào đó họ sẽ lựa chọn những sản phẩm hợp túi tiền hơn.

Ngay cả marketer cũng phải cân đối lại ngân sách của mình vì khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên ngân sách cho influencer marketing vẫn được nhiều người ưu tiên vì là dạng content có giá rẻ. Influencer marketing có thể là một cách hữu hiệu để thật sự thu hút và kết nối với người dùng, đặc biệt là trong tình hình kinh tế như hiện nay.”

Một trong những ví dụ của việc influencer vẫn được ưu tiên trong thời kỳ khủng hoảng tại Việt Nam là cách các thương hiệu du lịch , vui chơi giải trí vẫn đều đặn cho ra mắt chiến dịch PR sử dụng influencer trong thời kỳ đại dịch. Năm 2020, VinWonder từng cho ra mắt challenge cover điệu nhảy “VinWonders – 100% Vui” trên Tiktok với sự góp mặt của các KOL như ca sĩ Trọng Hiếu, tiktoker Trà Đặng, ca sĩ Jun Phạm,… Sun World Bà Nà Hills cũng hợp tác travel influencer như Lý Thành Cơ, Quang Vinh, Mai Hương để ra mắt các bài viết quảng bá, review.

Frolov còn nói thêm rằng:

“Marketer cũng sẽ dành sự ưu tiên nhiều hơn cho các micro-influencer thuộc các thị trường ngách để đảm bảo nội dung vẫn phù hợp với khán giả của họ. Khác với mega influencer và những người nổi tiếng, những người sáng tạo nội dung này thấu hiểu tình hình tế và những khó khăn mà khán giả của họ đang trải qua hơn.”

…nhưng chiến dịch vẫn phải tinh tế và nhạy cảm

Sarah Penny, Giám đốc nghiên cứu nội dung tại The Influencer Group nói:

“Các thương hiệu thực sự cần phải đánh giá lại tone of voice của mình, sao cho phù hợp với thời điểm rất khó khăn này của người tiêu dùng. Khi phần lớn người dân đều gặp khó khăn về tài chính, chìa khóa cho các thương hiệu chính là không tỏ ra thờ ơ với tình hình xung quanh. Trong thời kỳ Covid, rất nhiều thương hiệu đã tự vấn rằng liệu họ có nên tiếp tục marketing trong thời điểm khó lường như vậy hay không. Đây sẽ lại là điều mà các thương hiệu nên đặt câu hỏi để quyết định xem liệu họ có nên tập trung vào thông điệp bán hàng, hay chuyển sang thực hiện các chiến dịch giúp gia tăng nhận thức.”

“Tùy theo tính chất ngành hàng mà mỗi thương hiệu sẽ gặp độ khó khác nhau khi xây dựng chiến dịch. Ví dụ: các thương hiệu FMCG hoặc nhà bán lẻ thực phẩm có thể xây dựng câu chuyện xoay quanh việc tiết kiệm chi phí và tiết kiệm ngân sách, như các siêu thị đang tạo nội dung về cách mua sắm hàng tuần với kinh phí dưới £50. Ngược lại, khi thu nhập của người dân bị giảm xuống, các mặt hàng xa xỉ và không thiết yếu sẽ gặp thách thức lớn hơn trong việc truyền đạt với mọi người, do đó các marketer của các thương hiệu này cần phải lưu ý đến điều này và đưa ra những ý tưởng phù hợp với bối cảnh.”

Organic content có thể gia tăng khi các nhà bán lẻ bắt đầu gia nhập cuộc đua

Nilam Atodaria, Giám đốc Sản phẩm Toàn cầu của INCA (thuộc GroupM) dự đoán:

“Vì các nhà quảng cáo đang chú trọng vào content, số lượng follower của creator sẽ ít được chú ý hơn trước. Chúng ta sẽ thấy các thương hiệu hợp tác với influencer dựa trên khả năng kể chuyện chân thực của họ, thay vì dựa trên danh tiếng. Do đó, khả năng bám sát brief và độ an toàn của nội dung đó sẽ được quan tâm nhiều hơn.” 

Điều này cũng phù hợp với thị trường Việt Nam vì theo một khảo sát từ Nielsen, yếu tố người tiêu dùng Việt Nam xem trọng nhất của một influencer là “độ đáng tin cậy và tính chân thực”, nghĩa là liệu nội dung của người đó có thật và có thể tin tưởng được hay không. Do đó, các thương hiệu nên hợp tác với những influencer thể hiện được những đặc điểm này.

Tổng kết lại, Atodaria nói rằng ngành công nghiệp sáng tạo sẽ ngày càng có vị trí quan trọng trong các media plan, kể cả đối với các tập đoàn bán lẻ. Họ sẽ đầu tư nhiều hơn vào mục này nhờ vào sự phát triển của UI và tính chuyên môn của in-house lẫn agency. Cuộc cạnh tranh bán hàng online sẽ càng gay gắt hơn giữa những cửa hàng trên mạng xã hội, như Instagram và Tiktok, và những trang bán lẻ truyền thống như Amazon.

Social commerce sẽ phát triển bất chấp những thách thức của livestream

Sarah Penny thuộc The Influencer Group nhận xét:

“Chắc chắn là ngành social commerce đang gặp nhiều khó khăn để có thể hoạt động hiệu quả, và một trong số đó là livestream. Đã có nhiều nền tảng thu hồi lại các kế hoạch livestream nhằm bán hàng của họ, như Tiktok đã tạm dừng mở rộng tại Mỹ và châu Âu, nguyên nhân có thể là vì ngành công nghiệp này đang phát triển quá nhanh.

“Tôi nghĩ rằng nhiều nền tảng và thương hiệu đã tìm kiếm cơ hội tại những thị trường như Trung Quốc, mà quên mất rằng thể loại livestream để bán hàng này đã tồn tại được nhiều năm và khách hàng đã quen thuộc với hình thức mua sắm trên mạng xã hội này. Sự thành công của nó đến từ những việc các món hàng được bán trong buổi livestream có giá rẻ bất ngờ và sự xuất hiện của những người nổi tiếng.”

“Tuy nhiên, nhìn chung thì social commerce sẽ ảnh hưởng lớn đến các chiến thuật đối với influencer. Nếu platform là nền móng để xây dựng social commerce thì influencer chính là bề mặt nơi nội dung và giải trí được liên kết với tính thương mại. Do đó, dù influencer marketing vốn được xem là hoạt động top-of-funnel, các thương hiệu đã nhận ra được khả năng chuyển đổi của hình thức này và sẽ tận dụng nó.”

Tại Việt Nam, việc livestream bán hàng từ lâu đã là một hình thức rất được ưa chuộng. Từ livestream trên mạng xã hội như Facebook tới các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee,… khách hàng luôn được thu hút bởi cách thức bán hàng này và các thương hiệu lớn không hề bỏ qua điều này. Như vào ngày 28/07/2022, Vietnam Airlines đã hợp tác với travel blogger Lý Thành Cơ để tổ chức buổi livestream bán sản phẩm mới VNAHolidays. Không chỉ giựt được những ưu đãi và combo giá rẻ, người xem buổi stream còn được nghe chia sẻ các tips và giải đáp thắc mắc tại chỗ với influencer nổi tiếng trong lĩnh vực du lịch, giúp tăng sự hài lòng lên đáng kể. Chỉ kéo dài 50 phút nhưng buổi livestream đã thu hút 10,5 nghìn lượt xem và đem doanh thu 2,7 tỷ đồng cho Vietnam Airlines, cho thấy sức hút của hình thức livestream kết hợp với influencer.

Đầu tư vào Tiktok vẫn sẽ tiếp tục tăng lên

Theo báo cáo từ AnyMedia, Facebook chiếm 79.1% tổng số chiến dịch influencer marketing được thực hiện tại Việt Nam và đây cũng là nền tảng được ưa chuộng nhất bởi top 3 nhóm ngành được influencer đề cập nhiều nhất tại Việt Nam (thời trang và sắc đẹp, giải trí và sở thích, ẩm thực).

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết rằng Tiktok là nền tảng được đề cập đến nhiều nhất tại Việt Nam, cho thấy sự quan tâm của công chúng dành cho nền tảng này. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng Tiktok sẽ dành được nhiều sự chú ý hơn nữa, từ cả người tiêu dùng lẫn marketer trong năm sau.

Jim Meadows thuộc The Hut Group dự báo:

“Tôi tin rằng Tiktok sẽ tiếp tục “ngốn” ngân sách quảng cáo vì nó đã trở thành một nền tảng có chi phí vừa phải cho influencer marketing với một thuật toán độc đáo giúp tăng khả năng viral. Tuy nhiên, sự ra mắt của cửa hàng trên Instagram và mua sắm ngay tại feed cũng rất thú vị.”

Pierre-Loïc Assayag thuộc Traackr cũng đồng ý với các ưu điểm của Tiktok:

“Tiktok đã tìm ra được bí quyết thành công và đã thay đổi định nghĩa của “influencer” thành “creator”. Tiktok đã chứng minh được rằng một nền tảng giải trí là mô hình kinh doanh tốt hơn hơn mạng xã hội, và đó là lý do Meta đang cố bắt chước nó. Khi các mạng xã hội đang chuyển từ kết nối giữa người với người sang chia sẻ những nội dung giải trí, Tiktok đã trở thành “bản gốc” và có lợi thế tự nhiên trong nền kinh tế sáng tạo.” 

Marketing Review | Tổng hợp

Xem thêm:

Continue Reading
Advertisement

More in Bài nổi bật

Advertisement
Advertisement

Bài nổi bật

Advertisement
To Top